Bài thuyết trình nhóm 3

Xin chào tất cả các quý khách! Trước khi lên xe, tôi cũng đã đứng nói chuyện với một số anh chị trong đoàn chúng ta, nhưng để tất cả mọi người đều biết thì tôi xin giới thiệu kỹ hơn. Tôi tên Nguyễn Thu Hường, là hướng dẫn viên du lịch của công ty du lịch Viettravel. Ngày hôm nay, tôi rất vinh dự và vui mừng khi được dẫn đoang đi thăm quan một số điểm di tích tiêu biểu của Hà Nội. Và để giúp cho chuyến đi của chúng ta được an toàn, đúng giờ, đúng lịch trình thì không thể thiếu được sự có mặt của anh Sơn lái xe của công ty chúng tôi. Xin mọi người cho anh một tràn pháo tay .Cám ơn quý khách rất nhiều! Sau đây tôi xin giới thiệu sơ qua về lịch trình chuyến tham quan của đoàn chúng ta ngày hôm nay để tất cả mọi người trong đoàn đều nắm bắt được. 8h chúng ta xuất phát từ cổng trường Đại học Văn hoá Hà Nội đi đến điểm tham quan đầu tiên là khu di tích Đền Ngọc Sơn - một ngôi đền nổi tiếng của Hà Nội. Kế tiếp, đoàn chúng ta sẽ đi thăm Bắc Bộ phủ - nơi đã từng là trụ sở của chính quyền Bắc Kỳ, thời dân tộc tôi chống thực dân Pháp xâm lược. Điểm tiếp theo mà chúng ta dừng chân sẽ là Nhà Hát lớn - một trong những trung tâm văn hoá chính trị lớn của Thủ đô. Và điểm cuối cùng chúng ta tham quan là Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza. 11h30' đoàn chúng ta sẽ về khách sạn và ăn trưa tại đó. Lộ trình sẽ là : - Đại học Văn hoá Hà Nội - Giảng Võ - Nguyễn Thái Học - Hai Bà Trưng - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng (Đền Ngọc Sơn) - Hai Bà Trưng (Tràng Tiền Plaza) - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến - Cát Linh - Giảng Võ - Đại học Văn hoá Hà Nội. .

doc38 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4236 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bài thuyết trình nhóm 3, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đặt một cái nghiên đá cho nên cổng cũng có tên ''Nghiễn đài" tức là đài nghiên. Vì có bút thì phải có nghiên, mà bút dùng để viết lên trời xanh thì nghiên cũng phải lớn tương xứng với bút. Do nghiên được đặt ở trên mái cao nên quý vị khó có thể quan sát được, vì vậy mà tôi sẽ giới thiệu để mọi người được biết. Đây là một cái nghiên được tạc từ một tảng đá xanh hình quả đào cắt nghiêng theo chiều dọc, khoét lõm lòng chảo, bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao0,3m, chu vi chừng 2m, được làm từ lần trùng tu năm 1865. Có ba con cóc đội nghiên như ba cái chân kiềng. Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh mà tác giả cũng là Nguyễn Văn Siêu. Quý khách có nhìn thấy những dòng chữ Hán nhỏ trên đó không ạ? Chỉ có 64 chữ nhưng ý tứ thật hàm súc: có nhiều cách hiểu và tới nay cũng có nhiều bản dịch khác nhau. Tôi có thể tạm dịch như sau: ''Xưa lấy gốc đất làm nghiê, chú giải Đạo Đứ Kinh, nghiền ngẫm bên nghiên lớn, viết sách Hán Xuân Thu. Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông không tròn, dùng vào mọi việ thật kỳ diệu. Không cao không thấp, ngôi ở chính giữa.Cúi soi hồ Hoàn Kiếm, ngửa trông ngọn Bút đá ứng vào sao Thai mà làm ra ngọn biến đổi. Ngậm nguyên khí mà mài hư không." Có thể đây là một quan niệm mang tính chất bản thể luận về cái nghiên mực và cũng là về tư tưởng của con người ta trong đó có mối đồng nhuyên Đạo Giáo và Nho Giáo. Chúng ta hãy đi qua lớp cổng thứ ba này nhưng xin đừng vội qua cầu mà hãy quay lại nhìn mặt sau của Đài Nghiên. Có rất nhiều câu đối ở đây, nổi bật là đôi câu đối mang nặng màu sắc Đạo giáo: " Dạ nguyệt hoặc qua tiên thị hạc Hào lương tín lạc tử phi ngư." Tạm dịch là : ( Đêm trăng, ngờ bay qua hạc ấy là tiên Cầu hào, tin niềm vui người không phải cá.) Câu thứ nhất là lấy điển tích trong bài phú " Hậu Xích Bích" của Tô Đông Pha. Nguyên là vào một đêm trăng rằm, Tô cùng bạn dong thuyền chơi trên sông Xích Bích, bỗng thấy một con hạc lớn bay qua trời. Lát sau Tô ngủ thiếp, mơ thấy một đạo sĩ mặc áo lông phấp phới. Tô hỏi: "Lúc nãy hạc bay qua thuyền có phải là ông không?". Đạo sĩ ngoảnh mặt cười, nhà thơ liền tỉnh giấc. Còn câu thứ hai lấy điển tích ở sách Trang Tử. Trang Tử và Huệ Tử đang đi chơi trên cầu bắc qua hào. Trang nói: " Con cá đang bơi kia ý thoả thích lắm." Huệ hỏi lại: "Anh không phải cá, sao anh biết được cá vui?" Trang liền đáp: "Anh không phải tôi, sao anh biết được là tôi không biết được cái vui của cá." Đôi câu đối trên đã nói lên được cái hư vô của Đạo giáo. Quý khách có thể chiêm ngưỡng chiếc cầu Thê Húc, nổi bật giữa đền Ngọc Sơn. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên. Cầu được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm". Cầu Thê Húc được làm bằng gỗ rất thô sơ và sơn màu đỏ. Tương truyền cuối thế kỷ 19 cầu bị gãy, người ta xây lại cầu mới có chân làm bằng xi măng cốt thép, sàn và lan can làm bằng gỗ. Cầu có thiết kế cong cong và uốn như hình con tôm. Trước khi qua cầu thì mọi người hãy đợi tôi một lát để tôi sang quầy mua vé đã ạ!…Nào, chúng ta hãy lên cầu. Qua hết 15 nhịp cầu sơn đỏ là tới lầu Đắc Nguyệt (lầu được trăng). Lầu là một gác chuông hai tầng, kiến trúc tựa như Khuê Văn Các của Văn Miếu. Tầng hai có hai mái, có tấm biển khắc ba chữ " Đắc Nguyệt lầu", lấy ý ở câu thơ cổ: "Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt." nghĩa là: ở gần nước nên lầu đón được trăng trước tiên. Đó là vì lầu thì cao xung quanh là hồ nước mênh mang, tầm nhìn không có gì che khuất nên nhiều nơi chưa thấy trăng mà ở đây đã nhìn thấy. Song nhìn thấy trước tiên thì cũng rất bình thường nên ở đây, các vị thưở xưa khi dựng lầu này đã dùng khái niệm "được trăng" đầy ý nghĩa chủ động. Được trăng coi như là ôm gọn vầng trăng trong vòng tay mình! Hai bên cửa sổ có đôi câu đối ý tứ lãng mạn không kém: " Bất yếm hồ thượng nguyệt Uyển tại thuỷ trung ương." Có nghĩa là: Trăng trên hồ ngắm bao nhiêu cũng không chán, cứ như dầm mình trong làn nước miên man. Ở hai bên cửa cổng cũng có đôi câu đối tả cảnh giàu hình tượng: " Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn Lầu đương minh nguyệt toạ hồ tâm." Nghĩa là: Cầu dẫn dải cầu vồng đậu vào bờ đảo. Lầu in vầng trăng sáng nằm trong lòng hồ. Câu thứ nhất là nói về cầu Thê Húc, coi cầu như là nẻo đường để cho bảy sắc cầu vồng đi qua mà vào đậu trên bờ đảo. Câu thứ hai có ý là bóng lầu hoà với vầng trăng sáng như đang ngồi với nhau giữa lòng hồ sâu. Khoảng giữa cửa và đôi câu đối là hai bức tranh đắp nổi, bên phải là bức "Long mã hà đồ", bên còn lại là "Thần quy lạc thư". Ở bức Long mã hà đồ có đắp nổi hình con ngựa đầu rồng, trên lưng có đeo hình bát quái. Đây là điển tích từ thời vua Phục Hy của Trung Quốc, cách bây giờ khoảng năm ngàn năm. Thưở đó chưa có chữ, Phục Hy một hôm thấy trên sông Hoàng Hà nổi lên con Long mã (đầu rồng mình ngựa) trên lưng có vằn có nét. Phục Hy liền dữa vào các vằn nét đó để lập ra bảng vẽ có tám quẻ gọi là Bát quái toàn đồ. Đời sau gọi là Hà đồ tức đồ Bát quái rút ra từ sự tích Long mã trên sông Hà. Đó là những con số đếm đầu tiên, cũng là những chữ viết đầu tiên của dân tộc Trung Hoa. Sau thời Phục Hy hàng trăm năm có vua huyền thoại Đại Vũ. Trong khi đi trị thuỷ ở sông Lạc thấy nổi lên một con rùa trên lưng có những chấm đen trắng đặc biệt theo một trình tự. Ông dựa vào những chấm đó mà tạo ra Cửu trù (chín khoảnh). Đời sau gọi là Lạc thư tức bản viết từ rùa thần sông Lạc.Do vậy ở bức tường bên tría của lầu Đắc Nguyệt có bức Thần Quy Lạc thư đắp nổi hình con rùa trên mai một cây kiếm và một hộp sách. Vì từ Bát quái và Cửu trù, những phát minh quan trọng về số học, đồng thời áp dụng vào việc tính toán, mở rộng ra có thể giải thích nhiều hiện tượng trước mắt và suy đoán những việc sẽ xảy ra trong vũ trụ, nhân sinh, trong tự nhiên, xã hội có liên quan đến con người. Qua lầu Đắc Nguyệt này đi vào phái bên trái là sẽ tới khu đền chính. Ở phía bên tay phải của quý khách có mấy gian nhà thời trước là nơi hội họp nghe giảng kinh sách, còn bây giờ đây là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Bên trái quý vị là một dãy tường hoa. Ở dãy tường này, trên các cột cũng có đắp nổi nhiều câu đối tả cảnh hay, như: - "Nhất trần vô nhiễm sắc Tứ tự giai thường xuân." ( Mây bụi không chút gợn Bốn mùa thảy đều xuân.) hay : - "Bình hồ trường nhật nguyệt Cố điện tiểu càn khôn." ( Hồ phẳng dài cùng năm tháng Điện xưa thu nhỏ đất trời.) - "Cô sơn mộc ấm tam thiên giới Chước thuỷ ba chừng cửu thập xuân." ( Ngọn núi côi, cây rợp bóng, che tam thiên thế giới Một môi nước, sóng trong lặng, suốt chín chục ngày xuân.) Toàn những câu đối tả cảnh đặc sắc. Tư duy hình tượng của các văn sĩ xưa cũng khá hiện đại. Ở đoạn giữa dãy tường này có một kiến trúc khá bé mang tên "Kính Tự đình" (tức đình kính trọng chữ viết). Đó là nơi trước đây các cụ đốt những mẩu giấy có viết chữ, vì các cụ xem chữ là thánh hiền, chữ do thánh hiền đặt ra và mang tư tưởng của thánh hiền, cho nên không thể đối xử như một thứ rác rưởi đem vứt đi mà phải đốt. Theo chuyện cũ Hà Nội kể lại rằng: cho tới khi Pháp đã bắt đầu cai trị Hà Nội khoảng đầu thế kỷ XX, vẫn còn có một ông già sáng sáng gánh một đôi bồ đi quanh phố phường, hề thấy mảnh giấy nào có chữ hán, ông lại nhặt bỏ vào bồ, mang vào đốt tại đình Kính Tự này. Qua đình Kính Tự, trước mặt quý vị là một vọng cảnh đẹp: Xa xa, ở phía tây nam hồ là Tháp Rùa, một dấu ấn đặc trưng của Hồ Gươm; gần là đình Trấn Ba. Tôi xin giới thiệu qua đôi nét về tháp để quý khách có thể hiểu được. Tháp Rùa là cách gọi nôm na chứ tên đích thực ghi trên tháp là "Quy Sơn tháp" tức tháp núi Rùa. Tháp xây trên gò Rùa nơi xưa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17-thế kỷ 18) thì chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì nữa. Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ xiêu tán cả. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim. Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp nghiễm nhiên biến thành thắng tích Hà Nội. Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc Âu châu với hàng cửa cuốn gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam. Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) (hay còn được gọi là tượng Đầm Xòe). Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ khi chính phủ Đế quốc Việt Nam của thủ tướng Trần Trọng Kim nắm chính quyền thay cho quân Pháp. Tháp Rùa đã đứng ở đây dư một thế kỷ nên cũng đã rất thân thuộc, gần gũi với mọi người dân Hà Nội. Như thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã nói trong thơ: " Hà Nội chiều nay mưa tầm tã Ta lại về đây giữa phố xưa Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá Tháp Rùa roi lệ cười trong mưa." Trở lại đình Trấn Ba mà chúng ta đang đứng trước mặt đây, bốn cây cột cái bằng gỗ và bốn cây cột góc bằng đá đỡ lấy hai lớp mái thanh thoát. Đình Trấn Ba (hay còn gọi là đình chắn sóng) có tác dụng ngăn chặn những luồng văn hoá không lành mạnh vào văn hoá Việt Nam đương thời. Đình có hình vuông, được dựng cùng với Tháp Bút, Đìa Nghiên, tức là khoảng năm 1865 - 1866. Nhưng trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc chúng tôi (1947), đạn đã phá tan ngôi đình. Đến 1951 - 1952, một số nhà hảo tâm từ thiện đãđóng góp công và của cho dưng lại đình giống như nguyên mẫu. Có những câu đối hay khắc trên cột đá cũng được phục chế lại nguyên văn như: - " Miếu mạo sơn dung tương ẩn nước Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi." Nghĩa: ( Dáng miếu hình non cũng thấp thoáng Bóng mây ánh nắng quyện bồi hồi) Đó là cảnh sắc trước đình rất trong trẻo và nên thơ. - " Kiếm hữu dư linh quang nhược thuỷ Văn tòng đại khối thọ như sơn." Nghĩa: ( Gươm rớt khí thiêng ngời tựa nước Văn hòa trời đất thọ tày non ) Đó là cảm tưởng trước đình, nghĩ về một thời thanh gươm cứu nước ngời ngời sáng và cùng một thời văn chương có sức nặng như đá núi. Đối diện với đình Trấn Ba là ba nếp đền ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ um tùm. Đây là khu trung tâm của cả quần thể di tích đền Ngọc Sơn, về mặt kiến trúc cũng như về mặt thờ phụng. Nào, chúng ta hãy vào thăm nếp nhà thứ nhất, hay còn gọi là nhà tiền tế. Đền được xây theo hình chữ Tam. Nếp nhà ngoài cùng này gồm ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, dạng hai tầng bốn mái. Đỡ mái là bộ vì kèo có kết cấu chồng rường, hạ bẩy." Các con hoành của hai mái dưói được đặt trên một kẻ cong dài. nền nhà cao 0,3m so với mặt sân. Nhà tièn tế này có tàn, có tán, có hương án và đôi chim anh vũ tức là chim vẹt, có thếp vàng, tạo hình khá đẹp mắt. Ngoài ra còn có hế thống các bức hoành phi như ở giữa quý vị có thể nhìn thấy, đó là "Hồi thiên đội thế", ở bên tay phải của mọi người là "Mặc tướng quần sinh ", và phía bên trái là "Phồn hy vĩnh tích". Đối diện với bức hoành phi ở giữa là bức "Cảm huệ lĩnh phương"( Năm Nhâm Tý 1912). Mời quý vị đi tiếp để thăm gian trung đường. Nếp nhà thứ hai này cũng có ba gian, tường hồi bít đốc nhưng lòng nhà rộng hơn. Bộ khung đỡ mái theo kiểu "thượng rường hạ kẻ". Nền cao hơn so với nền nhà tiền tế. Hệ thống các bức bàn chạm khắc cầu kỳ hơn, con dơi, con rồng, phượng, long mã chở Hà đồ, thần rùa mang Lạc thư. Ở gian chính giữa đặt hương án, đồ thờ và sập thờ. Quý khách có thể quan sát thấy ba lớp tượng. Lớp ngoài cùng là tượng Quan Vũ cùng hai tuỳ tướng là Châu Xương và Quan Bình.Tượng Quan Vũ cao 1,35m trong tư thế ngồi trên bệ, mặt đỏ, râu dài, nũi có vạt phủ xuống lưng, trên chỏm có buộc dây lụa, trong mặc áo giáp, ngoài khoác áo choàng xanh, hộ tâm kính có hình rồng, tay phải úp trên đùi, tay trái giơ ngang ra phía trước, chân đi hài. Tượng Châu Xương cao 0,9m, râu quai nón, mũ bó có chóp, đứng hầu bên phải tượng Quan Vũ, áo chẽn màu đỏ và xanh, cầm thanh long đao. Còn tượng Quân Bình cao 0,88m, nho nhã, áo thụng vũ võ sinh, áo bào đỏ, đứng bên trái tượng Quan Vũ. Tôi xin giới thiệu đôi nét về nhân vật Quan Vũ để mọi người được biết. Quan Vũ (162 - 219) là nhân vật lịch sử Trung Quốc đời Thục Hán, tên tự của ông là Vân Trường nổi tiếng là một dũng tướng, trung thành và giữ tín nghĩa. Ông người đất Giải Lương, Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, là tướng thân cận và anh em kết nghĩa với vua Thục là Lưu Bị. Ông là dũng tướng tài ba đánh thắng nhiều trận chiến, song cuối cùng do chủ quan bị tưưóng Ngô bắt, đem chém. Tương truyền ông đã hiểu thánh, được nhân dân Trung Quốc ở khắp nơi thờ phụng. Đời Tống Tuyền Gia ông được phong là Vũ An vương. Đời Minh Vạn Lịch được phong là Hiệp thiên hộ quốc trung nghĩa đại đế. Theo bước chân di cư của người Hoa, Quan Vũ được lập đền thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta. Dân ta thường gọi là Quan Đế, Quan Công hoặc Quan Thánh đế quân, Đức Thánh Quan. Người Việt cũng thờ ông, ngay ở Hà Nội cũng có một số nơi thờ như Đền Quan Đế ở 28 Hàng Buồm do người Hoa kiều lập ra, đình Tây Luông ở phố Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình,…Tuy nhiên, ở Việt Nam, ông được thờ dường như không phải hoàn toàn với tư cách dũng tướng mà là do tấm lòng trọng tín nghĩa và sự nghiêm minh của ông. Cho nên bà con buôn bán thờ ông là chính, mỗi khi có khúc mắc trong giao dịch hoặc có sự bội tín, họ đưa nhau đến đền thờ ông, thề bồi mong được phân xử, kẻ xấu bị trừng trị. Và thường chỉ có những nơi đô thị buôn bán tấp nập mới có đền thờ ông, chú ở nông thôn Việt Nam hầu như không có đền Quan Đế. Tiếp đến là lớp giữa với tượng Lã Tổ, hai bên có tưọng Thiên Khôi và Thiên Việt. Tượng Lã Tổ tạc người trên bệ, cao 1,35m đội mũ đạo sĩ, mặc áo vàng, dáng đĩnh đạc, tay trái đặt trên đùi, tay phải giơ ngang tay đang bắt quyết,có vẻ là quyết Chuẩn đề. Tượng Thiên Việt cao 1,1m có hình dáng một ông lão đạo mạo, mũ nhị cấp áo thụng có hình rồng lân. Tượng khá nho nhã, trắng trẻo vì cũng là ngôi sao về văn cương. Thiên Khôi mang hình dáng là một tiểu quỷ, mặt xanh, có sừng, mình trần, quần ngắn, cổ tay cổ chân đeo vòng, thắt lưng đỏ, tay trái cầm sách, tay phải cầm bút giơ ngang đầu, một chân đứng trên lưng con giao long, một chân giơ lên như hình chữ đẩu. Sao Thiên Khôi phụ trách về khoa cử. Bút và sách cầm ở tay là ghi tên những người sẽ thi đỗ đầu nói riêng và thi đỗ nói chung. Về Lã Tổ thì cũng giống như Quan Vũ, ông là người khá nổi tiếng sống ở đời Đường. Lã Tổ tên tự là Động Tân. Khi ông đang làm quan huyện lệnh thì gặp loạn Hoàng Sào, Lã Động Tân bỏ quan, về ở ẩn ở núi Chung Nam. Sau ông tu theo Đạo giáo lấy hiệu là Thuần Dương Tử. Từ đó Lã Động Tân đi vào huyền thoại, trở thành một trong tám vị tiên nổi tiếng của thần điện Đạo giáo. Lớp trong cùng là tượng Văn Xương cao 1,44m, ngồi trên long ngai trên khám thờ. Mặt tượng hơi dài, đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo bào xanh trang trí hình rồng mây suốt từ ngực xuống, gấu áo hình sóng nước. tay phải úp trên đùi, tay trái ngửa, có ngón hơi khép lại để giữ một quyển sách. hai bên có tượng thị nữ đứng hầu. Khám thừo Văn Xương là một khám đẹp, diềm trên trang trí lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới chạm thủng cúc dây. Diềm cửa trang trí rồng mây. Giá đỡ phía dưới có hàng lan can hình con tiện, đế khám dạng chân quỳ. Văn Xương ngay ở Trung Quốc cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Văn Xương là tên vùng đất, tên sao, tên vị thần. Vùng đất là huyện Văn Xương ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Chòm sao có tên là Văn Xương cung gồm các sao Đẩu, Khôi, Dực, Khuông,…Văn Xương còn là tên một vị thần mà người ta quen gọi tôn là Văn Xương đế quân hoặc Tử Đồng đế quân. Về lai lịch của vị thần này cũng có nhiều sách nói khác nhau. Những người theo đạo giáo thì cho rằng Tử Đồng được thượng đế giao cho làm chủ cung Văn Xương và giữ lộc tịch (tức là sổ lộc ban phát cho trần gian). Triều Nguyên thì phong lên làm Đế quân và cho thở các trường học trong nước. Lai lịch rối ren như vậy song ông vẫn được coi là người tựu nghĩa, giữ lộc tịch ở cung Văn Xương, lại được thờ ở các trường học nên từ bao giờ rồi Văn Xương đã được các nhà nho ở nước chúng tôi coi như vị thần về học hành văn chương và công danh khoa cử. Như vậy, Văn Xương cũng là vị thần đa nhân cách vừa của Đạo giáo vừa của Nho giáo. Ngoài ra, ở gian trung đường này, ai bên tường hồi có hai ban thờ để thờ những vị góp công của tôn tạo đền miếu. bài vị to trên viết dòng chữ: "Tiền hậu công đức tả ban liệt vị" và "Tiền hậu công đức hữu ban liệt vị". Bây giờ xin mời du khách tiếp tục tham quan nếp nhà thứ ba, thường được gọi là cung cấm hoặc hậu cung. Giữa nếp thứ hai và thứ ba có một nhà cầu để khách nghỉ chân, đồng thời là chỗ đứng lễ. Hậu cung hệp lòng nhưng cao hơn hẳn, là nơi hiện nay thờ Đức thánh Trần của dân tộc chúng tôi - đó là Trần Hưng Đạo. Tượng cao 1,1m, ngồi trong khám thờ đặt trên bệ gạch xây cao đến 1m, hai bên có hai bậc tam cấp bằng đá. Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi, đội mũ có ba vành trang trí, ở giữa chạm mặt nguyệt, hai cánh chuồn đứng. Tượng có khuôn mặt vuông vức, tô đỏ thắm, mắt nhìn thẳng, tai dài có thành có quách. Áo đại trào trang trí rồng mây, tay trái đặt trên đùi, tay phải cầm sách.bên ngoài khám trên có hai pho tượng văn ban, võ ban đứng hầu. Ở hai bên khám hậu có hai ban thờ, bên phía đông là ban thờ chung "bản địa sơn thuỷ tôn thần" (tức thần núi và thần nước) và Táo quân cùng các vị khai sáng ra chùa. Bên phía tây là bài vị đức Thánh: "Trần triều thượng phụ Hưng đạo đại vương." Việc thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở hậu cung nơi thiêng liêng nhất chứng tỏ tính trội của tín ngưỡng bản địa so với các vị thần của Trung Quốc. Trần Quốc Tuấn là một nhân vật lịch sử rất nổi tiếng của nước chúng tôi, từng là Tiết chế (tổng chỉ huy quân đội) đập tan các lần giặc Nguyên xâm lược nước Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIII. Trong tâm linh mỗi người con đất Việt chúng tôi, Người có hai tư cách: Thứ nhất là vị anh hùng dân tộc với nhiều chiến công lẫy lừng, điển hình là trận Bạch Đằng vĩ đại lưu danh thiên cổ và thứ hai là đức Thánh Trần đầy tài trí uy lực diệt được mọi ma quỷ, như khi sống, Người từng diệt con tà Phạm Nhan, một loại quỷ chuyên bức hại phụ nữ. Thêm vào đó với tước phong rất trọng thị là Thượng phụ thượng trật thượng tướng quân, bình Bắc đại nguyên soái Hưng Đạo đại vương, Trần Hưng Đạo càng trở thành đối tượng được nhân dân nhiều đời nối tiếp thần thánh hoá và phụng thờ. Trong cung cấm này hiện có những bức hoành phi câu đối ca ngợi đức Thánh Trần: như hoành phi "Hạp khí lăng tiêu" (Hạo khí ngất trời) hay "Thiên cổ vĩ nhân" (vĩ nhân của muôn đời). Bây giờ chúng ta sẽ sang tham quan gian bên cạnh để mọi người có thể được chiêm ngưỡng Cụ Rùa. Đây là Cụ Rùa đã hơn 900 năm tuổi được trưng bày trong tủ kính như quý khách đã nhìn thấy. Rùa hồ Gươm thường là loài rùa khổng lồ hiện sinh sống trong. Ngày trước rùa sống trong lòng Hồ Gươm rất hiếm khi nổi lên mặt nước, truyền rằng mỗi lần rùa nổi đều liên quan đến việc quốc gia đại sự. Nhưng thời gian gần đây rùa nổi lên nhiều hơn, có lẽ vì nước hồ ô nhiễm nên rùa phải thường xuyên nổi lên để thở. Trong đền Ngọc Sơn có trưng bày tiêu bản một cá thể rùa Hồ Gươm. Hình ảnh của rùa cũng gắn liền với hồ, thông qua tên gọi tháp Rùa ở giữa hồ và truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy, một truyền thuyết mang lại tên gọi cho bản thân hồ. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra được chính xác phân loại của rùa Hồ Gươm. Phía trong gian trưng bày Cụ Rùa là cửa hàng bán đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ. Mọi người có thể vào tham quan và xem có món quà nào thích hợp cho người thân và bạn bè của mình không để mua về làm quà kỷ niệm về đất nước và con người Việt Nam chúng tôi. Đối với nhiều người dân Hà Nội, nếu không là tất cả, đền Ngọc Sơn trong lòng Hồ Gươm là một quần thể kiến trúc phong cảnh có nước, có non, có tháp, có đài, có cầu, có đình, có cây cổ thụ và hoa bốn mùa, có cả văn chương, tín ngưỡng, có cả huyền thoại lịch sử và những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc chúng tôi. Như vậy, tôi cùng quý vị đã tham quan hết toàn bộ khu di tích đền Ngọc Sơn. Có vị khách nào còn thắc mắc điều gì cần hỏi không ạ?... Nếu không có ai còn thắc mắc gì, tôi sẽ dành cho quý vị khoảng 10phút để mua quà lưu niệm. Sau đó chúng ta sẽ tiếp tục đi tham quan điểm du lịch tiếp theo trong lịch trình ngày hôm nay. Mời quý khách đi theo tôi ạ! Chúng ta đi bộ khoảng 5phút là sẽ tới điểm tiếp theo. Qúy khách có nhìn thấy cách chúng ta khoảng 30m có một cái tháp nhỏ mà những bạn thanh niên đang đứng chụp hình không ạ? Người ta gọi nó là Tháp Hoà Phong. Đây là một ngôi tháp mang vẻ rêu phong cổ kính cùng với thời gian. Toà tháp mang vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội đã tồn tại hơn 200 năm, nhưng có lẽ ít người biết về lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm mà nay đã vang bóng một thời... Tôi xin được kể với quý vị về lịch sử của ngôi tháp này. Dải đất Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm bây giờ là thôn Cựu Lâu xưa. Những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai chủ hưng công cho dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ. Ngôi chùa hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian, vô cùng lộng lẫy. Chùa dựng xong Hoà thượng Phúc Điền trụ trì và cho ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp mà còn ghi nơi tàng bản. Chùa Liên Trì Hải Hội có rất nhiều tên gọi như chùa Liên Trì,chùa Báo Ân, chùa Đại sứ quán Hà Nội (Hà Nội Đại sứ quán tự)...người Pháp gọi là chùa Thụ Hình vì dựa trên cảnh xử tội trong tranh Thập điện Diêm vương treo trên tường Phật điện. Nhưng chùa tên là Liên Trì Hải Hội và được gọi tắt là Liên Trì (ao sen). Chùa Liên Trì được xây dựng trên ý tưởng tôn giáo đạo Phật. Toàn bộ ngôi chùa là một tổng thể kiến trúc đồ sộ mà ngày nay chỉ còn lại những hình vẻ của người Pháp cũng như mô tả rất sơ lược của sử sách. Chùa Liên Trì Hải Hội với dụng ý được chiết xuất từ bài kệ trong kinh A Di Đà, một cõi Niết bàn ngay chốn trần gian, thể hiện toàn bộ ngôi chùa là một đoá sen lớn, ý nghĩa tầng thế giới siêu thoát trên đài sen tụ hội với đủ các chư vị Bồ tát và Phật Di Lặc. Theo hình vẽ và mô tả thì chùa cách biệt thế giới bên ngoài bởi sự bao bọc các ngòi nước trồng sen và chỉ có một lối đi là chiếc cầu đá trước chùa nối tiếp ra tận tháp Hoà Phong làm cổng. Qua cầu là Tam quan đồ sộ, phía sau hai bên là hai tháp lớn, sau đó là toàn bộ ngôi chùa đồ sộ nguy nga. Vào khoảng năm 1889, người Pháp dựng xây khu nhượng địa bên bờ Đông Nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì, đến nay chỉ còn dấu tích vang bóng mà thôi. Dấu tích của chùa còn lại tới nay là tháp Hoà Phong, với vẻ đẹp cổ kính, lặng lẽ bên hồ và thời gian. Tháp cao ba tầng, cửa tháp theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, các cửa đều có chữ Hán làm ngạch nêu tên như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp... tầng trên còn hình bát quái và chữ Phạn. Chùa xưa đã mất chỉ còn lại giai thoại về vị quan Thượng "làm cho tổn Bắc lại hao Đoài" mà đến nay chỉ còn lại tháp Hoà Phong cũ kính rêu phong. Những hàng liễu rủ bóng như tôn vinh thêm cho vẻ đẹp của tháp cổ. Người người sáng chiều qua lại đã bao đời bên tháp. Thời gian cứ trôi và ngôi tháp vĩnh hằng làm một chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất và người Hà Nội. Bây giờ chúng ta sẽ sang bên kia đường, đi theo lối này là đến Bắc Bộ phủ. Quý khách hãy nhìn sang phía bên trái đi ạ! Vâng, thưa quý khách! Đó được gọi là Tượng đài Lý Thái Tổ. Tượng đài đặt trên vườn hoa Chí Linh - một vị trí rất đẹp, nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm và được khánh thành vào ngày 7.10.2004 do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác, Công ti Trách nhiệm hữu hạn Mĩ nghệ Đoàn Kết tỉnh Nam Định thực hiện bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1 m (tượng cao 6,8 m, bệ cao 3,3 m). Là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp; nhằm tôn vinh vị vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), người khởi lập và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến, đồng thời là công trình chào mừng 50 năm giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2004), tiến tới kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010). Đằng sau tượng đài là một khoảng đất khá rộng để người dân có thể nghỉ ngơi và giải trí tại đây. Ở giữa có một ngôi nhà hình Bát giác trông khá bắt mắt được gọi với cái tên là nhà Kèn. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì theo những người lớn tuổi kể lại thì nơi đây, thời thực dân Pháp đô hộ, cứ mỗi Chủ nhật đến lại có một đội kèn đến đây chơi nhạc. Từ đó người ta quen gọi ngôi nhà đó là nhà Kèn. Thưa quý khách, chúng ta đang đi trên đường mang cái tên Lê Thạch. Cuối con đường này, nhìn thẳng sang bên kia đường, quý khách có thấy một toà nhà khá lớn mang kiến trúc cổ kính không ạ? Đó chính là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là một cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ tại Việt Nam. Đây là cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam như: phát hành tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách về lãi suất, quản lý dự trữ ngoại tệ, soạn thảo các dự thảo luật về kinh doanh ngân hàng và các tổ chức tính dụng, xem xét việc thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng, quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước... Xung quanh khu vực này có rất nhiều toà nhà mang dấu ấn Pháp và điển hình phải kể đến là Bắc Bộ phủ. Nằm cuối con đường Lê Thạch này, cắt ngang với đường Ngô Quyền, ngôi nhà mang số 12 chính là Bắc Bộ phủ. Đây đã từng là nơi đặt trụ sở chính quyền Bắc kỳ, và là một di tích lịch sử của Việt Nam. Thời thuộc Pháp, tòa nhà này là Phủ thống sứ Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9 tháng 3 năm 1945), tòa nhà được đổi thành Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Trong Cách mạng tháng Tám, ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19 tháng 8 năm 1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà này. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày toàn quốc kháng chiến. Trong thời gian này, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ. Trong sáu mươi ngày đêm chiến đấu kìm giữ chân thực dân Pháp trong thành phố (19-12-1946 – 19-2-1947), nhiều trận đánh ác liệt giữa quân và dân Thủ đô với quân Pháp đã diễn ra, tiêu biểu là trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ trong hai ngày 19 và 20-12-1946. Bảo vệ Bắc Bộ Phủ, ta có Đại đội 1 (Tiểu đoàn 101 vệ quốc đoàn) do Đại đội trưởng Mộng Hùng và Chính trị viên Lê Gia Định chỉ huy. Đại đội đã tổ chức các các trận địa chiến đấu tại Nha Thương mại, Bộ Bưu điện, rạp chiếu bóng Ê đen và khách sạn Gà Trống Vàng. Lực lượng trực tiếp bảo vệ ngôi nhà Bắc Bộ Phủ có hai trung đội. Trung đội 1 do đồng chí Bích chỉ huy, tổ chức phòng ngự vòng ngoài. Trung đội 2 bảo vệ ngôi nhà Bắc Bộ Phủ. Ngoài vũ khí cá nhân, ta còn có hai tổ bom ba càng và hai quả bom 150kg đặt ở hai đầu cầu thang. Một mục tiêu chủ yếu trong âm mưu đánh úp Hà Nội của quân Pháp là phải nhanh chóng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Bởi thế, nhiều ngày trước khi chiến tranh bùng nổ, Bộ chỉ huy Pháp đã điều hơn 200 lính đến đóng trên gác hai khách sạn Metropol đối diện với Bắc Bộ Phủ. 24 giờ đêm 19-12, cánh quân Pháp từ trong thành kéo đến phối hợp với lính Pháp ở khu vực này tiến công Bắc Bộ Phủ. Trong đợt tiến công thứ nhất, chúng cho xe tăng dùng hoả lực mạnh yểm trợ cho bộ binh tiến công chính diện vào Bắc Bộ Phủ. Từ hào giao thông, ụ chiến đấu bảo vệ vòng ngoài và từ các tầng gác cao, các chiến sĩ ta chống trả quyết liệt. Nhiều lính Pháp trúng đạn bắn thẳng của ta đổ gục trước khách sạn Gà Trống Vàng và cửa hàng công nghệ phẩm của hãng Sáp-phăng-giông. Sau khi tổ chức lại lực lượng, địch lại tiến công lần thứ hai vào Bắc Bộ Phủ. Hai xe tăng địch hạ nòng pháo bắn yểm hộ cho bộ binh địch xung phong. Ngay lập tức, một chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng khéo léo tiếp cận và đâm thẳng bom vào xe địch. Chiếc xe đứng khựng lại bốc cháy. Bộ binh địch theo xe hoảng sợ nằm phủ phục xuống lòng đường bắn loạn xạ. Khi chiếc xe thứ 2 tiến đến, người chiến sĩ ấy lại ôm bom lao cả người vào xe địch. Bom không nổ, đồng chí chiến sĩ quyết tử đã hy sinh oanh liệt. Không đánh chiếm được Bắc Bộ Phủ, quân Pháp phải bỏ dở cuộc tiến công, đợi quân chi viện. Đến 8 giờ sáng, quân Pháp lại tiếp tục tấn công Bắc Bộ Phủ. Mũi chủ yếu có chừng một đại đội, được xe tăng, xe bọc thép chi viện hoả lực từ khu vực nhà băng Đông Dương, đánh vào cổng sau Bắc Bộ Phủ. Mũi thứ hai đánh vào Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, kết hợp với mũi thứ ba vu hồi vào Nha Thương mại, Sở Kiểm duyệt. Trên cả ba hướng, chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh đợi địch đến gần mới nổ súng, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của chúng. Sau khi xe tăng húc đổ rào sắt Bắc Bộ Phủ, bộ binh địch tràn vào, hoả lực của ta bắn ra dữ dội. Một xe tăng địch bị đâm bom ba càng bốc cháy ngay trong sân sau, nhiều lính Pháp bị tiêu diệt. Nhận thấy tiếp tục kéo dài trận đánh sẽ không có lợi, Chính trị viên Lê Gia Định khéo léo động viên, thuyết phục các chiến sĩ rút sang hầm bưu điện để bảo toàn lực lượng, riêng anh ở lại chặn địch. Khi địch tràn vào Bắc Bộ Phủ, thời cơ tiêu diệt quân thù đã đến, Lê Gia Định dập kíp quả bom lớn. Một xe tăng địch cùng hàng chục lính Pháp tan xác. Khiếp đảm trước tinh thần hy sinh dũng cảm của chiến sĩ vệ quốc đoàn, những tên thoát chết cắm cổ chạy thục mạng ra ngoài. Tấm gương chiến đấu xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô của Lê Gia Định được nêu cao trong toàn Liên khu 1. Anh được truy tặng danh hiệu “Người quyết tử quân số 1 của liên khu”. Sau một đêm và một ngày chiến đấu kiên cường, 45 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đã anh dũng hy sinh. Tuy chiếm được Bắc Bộ Phủ, nhưng thực dân Pháp đã phải trả giá đắt (122 tên lính lê dương tinh nhuệ, thiện chiến đã bị tiêu diệt, 4 xe tăng và 3 xe quân sự bị phá huỷ). Trận chiến đấu phòng ngự Bắc Bộ Phủ là trận đánh lớn nhất, ác liệt nhất, kéo dài nhất trong ngày đầu kháng chiến ở ngay trung tâm thành phố. Tinh thần chiến đấu ngoan cường cùng phương thức tổ chức tiến hành trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 đã để lại cho các lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô nhiều kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, làm cho đội quân xâm lược nhà nghề khét tiếng tàn bạo phải khiếp đảm trước ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Kết thúc Chiến tranh Đông Dương (1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Năm 2005, Bắc Bộ phủ được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng. Quý khách nhìn chếch về phía bên phải đi ạ! Quý khách có thấy một toà nhà rất lớn với sơn tường màu trắng không ạ? Đó là khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Khách sạn mang phong cách kiến trúc cổ kính của thời Pháp thuộc,. Sofitel Metropole thể hiện nét cổ điển qua lớp sơn tường trắng, những khung cửa xanh, những hoạ tiết bằng sắt tinh xảo, ván tường bằng gỗ và một sân cỏ xanh tươi. Metropole là một trong số ít những khách sạn còn lại trong khu vực vẫn còn giữ được dáng vẻ cổ kính của mình. Khách sạn được xây dựng năm 1901 bởi 2 nhà đầu tư người Pháp. Sofitel Metropole Hà Nội đã vinh dự kỉ niệm dấu ấn hơn một thế kỉ hoạt động và luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nhân và khách du lịch. Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội, tự hào về lịch sử hoạt động của mình với tên tuổi của rất nhiều nhân vật nổi tiếng và các nhà chính khách quốc tế đã từng nghỉ tại khách sạn. Khách sạn được biết đến không chỉ là nơi có những món ăn ngon và một quán rượu nổi tiếng mà còn có một trung tâm sức khoẻ, một bể bơi ngoài trời tuyệt đẹp, khu hỗ trợ công tác và hội nghị. Sofitel Metropole liên tục được chọn là một trong những khách sạn hàng đầu không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn lãnh thổ Việt Nam và Châu Á. Mời quý khách qua bên đường đi ạ! Chúng ta sẽ ngồi nghỉ chân khoảng 5phút ở vườn hoa này. Mọi người có muốn biết một số thông tin về vườn hoa mà chúng ta đang đứng không ạ? Tôi xin giới thiệu đôi nét về nó. Đây là Vườn hoa Diên Hồng - một vườn hoa nằm đối diện với nhà khách Chính phủ (hay là Bắc Bộ phủ), một bên là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một bên là khách sạn Métropole. Thời Pháp thuộc, vườn hoa có tên là quảng trường Chavassieux . Năm 1901 Pháp cho xây dựng ở giữa vườn hoa một bể nước, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m ở giữa, xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá. Vì vậy vườn hoa còn được người Hà Nội gọi là vườn hoa Con Cóc. Sau 1945 vườn hoa mới được đổi tên thành Diên Hồng. Mọi người cảm thấy thoải mái hơn chưa ạ? Chúng ta sẽ tiếp tục đi thăm điểm kế tiếp. Chỉ mất khoảng 5phút là sẽ tới Nhà hát lớn thôi ạ. Mời mọi người đi theo tôi. Chúng ta sẽ đi tắt theo đường Lý Thái Tổ này….Và kia chính là Nhà hát lớn. Mọi người hãy đi qua đường để chúng ta tiện tham quan hơn. Tôi sẽ đứng ngoài cửa Nhà hát lớn để giới thiệu cho mọi người do Nhà hát lớn chỉ mở cửa vào những dịp diễn ra các sự kiện văn hoá lớn của Thủ đô, ngày thường thì họ không mở cửa, vì vậy mà chúng ta không được vào trong tham quan. Vâng thưa quý khách! Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Xưa kia nơi đây là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp gianh với làng Cựu Lâu, thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Vào năm 1899, hội đồng thành phố họp dưới quyền chủ toạ của Richard - Công sứ Hà Nội, đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát. Bản đồ thiết kế do hai kiến trúc sư là Broyer và Harvy được xét duyệt với kinh phí xây dựng là 2 triệu franc. Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901. Việc san lấp mặt bằng được tiến hành khá vất vả. 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông cốt sắt dày 0m90. Hàng ngày có 300 công nhân làm việc. Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với  kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Năm 1911, công trình được hoàn thành. Chiều dài Nhà hát mặt ngoài là 87m, rộng trung bình 30m, diện tích 26.000m2, điểm cao nhất là 24m. Mặt trước của Nhà hát rất bề thế khang trang, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng (nay gọi là quảng trường Cách mạng tháng 8) - chỗ đầu mối tập trung của 6, 7 đường phố lớn. Thưa quý vị , bên trong Nhà hát có sân khấu khá rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, chứa được 870 chỗ ngồi, tầng giữa có nhiều phòng nhỏ giành cho khán giả có vé riêng. So với dân số Hà Nội năm 1945 khoảng 20 vạn dân, thì quy mô kiến trúc Nhà hát thời điểm ấy là rất lớn. Cầu thang chính lên tầng 2 là sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở phía 2 bên. Phía sau Nhà hát là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hoá trang, 2 phòng tập hát, phòng gương, thư viện, phòng họp. Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát Lớn được đưa vào sử dụng. Trong thời gian đầu, Nhà hát được dành cho những gánh hát từ phương Tây hằng năm sang diễn cho giới chức quan lại Pháp xem. Những người thượng lưu Việt Nam cũng được tham dự, song muốn vào Nhà hát phải mặc lễ phục và trả giá vé đắt. Về sau, Nhà hát Lớn cũng có những tối công diễn do người Việt Nam tổ chức để làm việc nghĩa (cứu nạn nhân các tỉnh bị lụt, làm nhà tế bần…). Tuy nhiên, trong lịch sử hoạt động của mình, Nhà hát phải đình lại nhiều lần do chủ trương khác nhau của nhà cầm quyền. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch nói của ta có thể thuê được “Nhà hát tây” để diễn. Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Thời điểm tháng 8/1945, Quảng trường Nhà hát Lớn là trung tâm sôi động nhất của không khí chính trị ngày đó. Tại đây, ngày 17/8/1945 đã diễn ra buổi mít tinh của Tổng hội viên chức và ngay sau đó đã biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử . Trước khi có Hội trường Ba Đình, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành các kỳ họp quan trọng. Ngày 5/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp khoá đầu tiên ở Nhà hát Lớn. Cũng trong năm 1946, ngày 28/10, Quốc hội khoá 2 họp thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đây… Nhà hát Lớn cũng là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thủ đô, từ giữa năm 1955, Nhà hát Lớn Hà Nội bước vào đợt trùng tu lớn nhất với ngân sách cho phép là 156 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD). Kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Trải qua các biến chứng thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một di sản mà chúng ta tiếp nhận và phát huy nó như một chứng cớ cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới. Mời quý khách chúng ta đi sang bên phải này một chút ạ! Tôi xin giới thiệu, đây là khách sạn Hilton. Khách sạn nằm ở trung tâm thành phố, gần Nhà Hát Lớn Hà Nội, phía Nam của khu phố Cổ. Hilton cách không xa trung tâm thương mại, các bộ chính phủ, các cơ quan phi chính phủ và các điểm thăm quan nối tiếng. Khách sạn có 7 tầng được xây theo kiến trúc thời Pháp. Ảnh hưởng bởi những nét đặc sắc của Nhà hát lớn nổi tiếng ngay đối diện, khách sạn Hilton Hanoi Opera là sự hợp nhất của các truyền thống: con người Việt Nam thân thiện và hiếu khách, sự đáng tin cậy của khách sạn, dịch vụ hoàn hảo và trang thiết bị hiện đại. Bây giờ, mời quý khách hãy theo tôi, chúng ta sẽ đi theo đường Tràng Tiền để đến thăm điểm thăm quan cuối cùng trong lịch trình buổi sáng ngày hôm nay. Cuối con đường này sẽ tới thôi ạ!...Chúng ta đang đứng ngay gần cửa vào Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza rồi đây ạ! Xin mời mọi người vào trong và tập trung lại ở khoảng rộng ngay dưới tầng một này ạ, tôi sẽ giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành của khu Trung tâm thương mại sầm uất này. Vâng, thưa quý khách! Khi Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long và quyết định dời đô vào đất Thuận Hóa năm 1802 thì Thăng Long, từ kinh đô trở thành tỉnh, nhưng vì muốn yên dân nên Nguyễn Ánh gọi thành Thăng Long là Bắc thành. Khu vực quanh hồ Gươm lúc đó vẫn còn hoang tàn và đổ nát... Năm 1808, nhà Nguyễn đã cho lập xưởng đúc tiền ở đất thôn Tràng Tiền nên có tên gọi là Tràng Tiền (hay Trường Tiền). Tràng Tiền thuộc đất làng Cựu Lâu huyện Thọ Xương. Tràng đúc này đúc cả tiền đồng lẫn tiền kẽm. Nhưng không biết vì lý do gì mà chính quyền nhà Nguyễn chỉ tuyển phụ nữ vào làm. Hết giờ làm việc, khi đi qua cổng, các chị em đều bị lính gác sờ nắn, kiểm tra nên mới có câu vè: "Thứ nhất làm lính Tràng Tiền. Thứ nhì được cúng quan hiền Kẻ Mơ." Hoặc: " Sống làm lính gác Tràng Tiền. Chết làm Thành hoàng làng Mơ." Năm 1887, thực dân Pháp đã phá tràng đúc. Khu vực này xuất hiện các nhà một tầng mà chủ phần lớn là người Pháp. Họ mở các cửa hàng bán đồ cho lính và phụ nữ Pháp theo chồng. Đầu thế kỷ XX, Liên hiệp thương mại Đông Dương và châu Phi (LUCIA) đã xây dựng Trung tâm Thương mại Godard. Godard là tòa nhà hai tầng, tầng dưới cao 6m, tầng trên 5m. Diện tích mặt bằng xấp xỉ 4.500m2. Sàn tầng một lát đá thấm thủy khổ lớn để hạn chế nhớp nháp vào ngày nồm. Trần trát vôi rơm, sàn tầng hai bằng gỗ lim. Mái bằng khung thép uốn thành vòm, dưới vòm cũng trát vôi rơm, trên lợp miếng tôn nhỏ hình chữ nhật. Xung quanh là cửa kính để lấy ánh sáng. Từ tầng một lên tầng hai có bốn cầu thang bậc gỗ, lan can bằng thép có hoa văn, trụ cầu thang bằng đồng đúc. Cứ hai hay ba năm người ta lại cho làm mới Godard bằng cách quét vôi, sơn cửa. Do thời gian sơn sửa, quét vôi rất lâu, phải mất hàng tháng trời nên người ta phải chọn phường sơn vôi giỏi để công việc kinh doanh diễn ra bình thường. Dân sơn, vôi làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) bao giờ cũng là ứng cử viên đầu tiên. Phương Liệt còn có tên nữa là Giáp Cửu, làng ít ruộng, bởi vậy từ già đến trẻ thường vào nội thành làm nhiều nghề khác nhau. Không phường nghề nào có thể vượt qua được Phương Liệt về lọc vôi, pha màu, đặc biệt là chọn đót làm chổi. Nước vôi sánh nhưng không đặc nên bám tường và khi khô rất mịn. Thợ Phương Liệt quét trần Bách hóa Tổng hợp thì việc mua bán ở dưới diễn ra bình thường, không rơi một giọt vôi. Godard có ba mặt phố, phía bắc là Tràng Tiền, phía nam là Hai Bà Trưng và phía tây là Hàng Bài. Ba cửa chính ra vào bách hóa có dòng chữ tiếng Pháp "Không dựng xe ở đây" bằng đá trắng gắn chìm trên vỉa hè. Vỉa hè rất cao so với mặt đường để phòng ô tô có lao lên sẽ bị chặn lại, bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi lại trên vỉa hè. Vỉa hè bo bằng đá đen chôn sâu dưới đất hơn một mét. Quý khách có biết vì sao Godard không xây cao không ạ?... Vì chính quyền thời đó không cho phép các công trình quanh hồ Gươm xây quá cao, họ sợ hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà, như thế làm mất vẻ đẹp thơ mộng của khu vực này. Việc xây dựng Nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Hai chợ nổi tiếng Thăng Long gồm Bạch Mã và Cầu Đông. Chợ Bạch Mã có từ thời Lý (khoảng 1035). Lúc đầu gọi là chợ Cửa Đông. Đến đời nhà Trần đổi thành Bạch Mã vì ở gần đền Bạch Mã (nay là 76 phố Hàng Buồm). Chợ Cầu Đông ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là 38B phố Hàng Đường). Chợ Đồng Xuân do người Pháp xây dựng năm 1889 và khánh thành vào năm 1890. Ban đầu các gian hàng trong chợ làm bằng tre lợp lá. Sau đó được xây kiên cố vào đầu thế kỷ XX. Chợ Đồng Xuân là tiếp nối các chợ truyền thống của Thăng Long. Nếu trước kia chợ truyền thống họp theo phiên và chỉ bán nông sản, đồ thủ công, lương thực... sản xuất tại Hà Nội hay các vùng lân cận hoặc bán một số mặt hàng từ các tỉnh phía nam Trung Quốc mang qua thì Godard bán đủ thứ nhập từ Pháp, Ấn Độ, Hồng Công hay các nước thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, trong hàng chục năm đầu thế kỷ XX, khách đến Godard chủ yếu là lính, sĩ quan, công chức Pháp và vợ con họ cùng một số ít người Việt giàu có. Năm 1909, nhà hàng này xảy ra cuộc đình công. Nguyên nhân là chủ nhà hàng kiểm tra thấy mất hàng hóa đã ra lệnh cho nhân viên bảo vệ người Ấn Độ hằng ngày lục soát từng người, bất kể nam hay nữ. Sáng ngày 6-5-1909, không thấy một số thông ký đi làm, chủ nhà hàng đã thuê ngay người khác và chiều hôm đó cuộc đình công xảy ra để phản đối việc thay nhân viên không báo trước và lục lọi vô cớ. Năm 1950, lo sợ sự thất bại của người Pháp ở Việt Nam, chủ nhà hàng Godard đã chia lô bán cho thương nhân Việt. Năm 1958, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì 49 quầy hàng trong Godard được đưa vào công tư hợp doanh. Và chính quyền thành phố khi đó cũng muốn Godard trở thành cửa hàng thương nghiệp lớn của Thủ đô nên quyết định cho sửa sang lại. Năm 1959, ông Vũ Đình Trọng (nhà ở phố Hàng Giò nay là đầu phố Bà Triệu, sau này ông chuyển xuống sinh sống ở huyện Thanh Trì) đi kháng chiến về được phân công làm Trưởng tiểu ban trang trí nội thất, thiết kế các gian hàng sao cho hợp lí và hơn hẳn cách bài trí trước đó để lộ rõ tính ưu việt của thương mại xã hội chủ nghĩa. Ông Trọng không có chuyên môn, nhưng nhờ ham học hỏi từ bạn bè, sách vở nên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tháng 9-1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp. Cũng có người gọi là Bách hóa Tràng Tiền vì nó nằm trên phố Tràng Tiền. Đầu tháng 9-1960, Bách hóa Tổng hợp khai trương, người đứng chờ vào xem cửa hàng thương nghiệp quốc doanh vốn xa lạ với người dân đông cứng vỉa hè phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng và Tràng Tiền. Khi nhân viên mở cửa, dân chen chúc xô nhau đến nỗi nhiều người tuột cả giày dép nhưng do sức đẩy ở phía sau quá mạnh, họ không thể lấy được giày dép đành phải đi chân trần vào bách hóa. Nhân viên bảo vệ gom lại thành 3 đống lớn ngoài vỉa hè. Xem xong, họ đi ra bới đống dép tìm nhưng do nhiều đôi giống nhau nên đành xỏ đại một đôi. Thời bao cấp, Bách hóa Tổng hợp là nơi bán vải vóc, đồ điện máy, giày dép, văn phòng phẩm… lớn nhất Hà Nội và miền Bắc nên có người gọi đó là pháo đài thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Dù các cửa hàng bách hóa nằm rải rác khắp nơi trong thành phố nhưng Bách hóa Tổng hợp bao giờ cũng đông đúc vì đây là khu trung tâm, gần hồ Gươm, kem Tràng Tiền và gần điểm đỗ tàu điện. Nó nổi tiếng đến mức khách các tỉnh về chơi mà chưa vào Bách hóa Tổng hợp coi như chưa về Hà Nội. Do hàng hóa thiếu thốn không đủ cung cấp cho người tiêu dùng nên mới sinh ra những người mua đi bán lại. Họ mua lại phiếu đường, phiếu sữa, bìa mua hàng... nói tóm lại là tất cả những gì bán qua tem phiếu. Người dân gọi họ là "phe tem phiếu" hay từ chung là "phe phẩy". "Phe phẩy" là sản phẩm đặc trưng của cơ chế bao cấp. Người làm nghề "phe phẩy" hầu hết là đàn bà con gái. Từ sớm, họ đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm, chất đốt, bách hóa... Ai bán phiếu thịt, đậu phụ, nước mắm, phiếu vải, phiếu đường hay phiếu dầu họ mua hết. Có thời kỳ Bách hóa Tổng hợp tập trung tới mấy chục "phe phẩy". Bảo vệ đuổi, họ ra ngoài, bảo vệ đi họ lại vào gạ mua tem phiếu. Thỉnh thoảng cũng có phe bị bắt vào đồn công an, phải viết bản kiểm điểm cam kết không buôn bán tem phiếu nữa. Nhưng thả ra, họ lại tiếp tục công việc "phân phối" lại hàng hóa. Việc bán hàng theo tem phiếu khiến người nước ngoài ngạc nhiên. Tôi xin được hỏi, trong các quý vị có ai đã từng nghe nói về thời bao cấp ở đất nước chúng tôi chưa ạ?...Tôi cũng xin trả lời ngay cho mọi người được biết. Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Hàng hóa được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật. Mặc dù chế độ bao cấp đã tồn tại ở miền Bắc từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, tức là trước thời kỳ Đổi mới. Đây được coi như một giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20. Và người ta gọi giai đoạn đ ó với ba chữ là thời bao cấp. Tôi xin được nói tiếp về quá trình hình thành và phát triển của Tràng Tiền Plaza. Tháng 4-1993, Công ty Thương mại Hà Nội liên doanh với Công ty Dragon Property Asia Limited lập dự án phá Bách hóa Tổng hợp xây dựng "Tràng Tiền Plaza" với thời hạn 50 năm. Liên doanh này đã đưa ra thiết kế tòa nhà có chiều cao mặt phố Tràng Tiền là 10 tầng, mặt phố Hai Bà Trưng là 20 tầng. Tháng 5-1994, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 855/GP, thành lập Công ty Liên doanh Trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên "The Hà Nội Plaza". Tháng 5-1995, Kiến trúc sư trưởng thành phố ra quyết định cho phép phá Bách hóa Tổng hợp. Nhưng 4 tháng sau, ngày 29-9-1995, Bách hóa Tổng hợp mới ngừng bán hàng. Buổi bán hàng cuối cùng ở nơi gắn bó một thời với người Hà Nội thật cảm động. Chưa bao giờ mậu dịch viên lại dịu dàng đến thế và chưa bao giờ Bách hóa Tổng hợp lại có không khí trầm lắng đến thế... Lặng lẽ mua... lặng lẽ bán... Nhiều người thở dài buồn bã, họ cảm thấy như chính mình mất mát điều gì... Ngày 28-5-1996, lễ khởi công được tổ chức long trọng với tuyên bố, công trình sẽ hoàn tất trong 3 năm. Tháng 7-1997, Thái Lan khủng khoảng tài chính kéo nhiều nước châu Á vào vòng xoáy và dự án đã không thu xếp được vốn với ngân hàng, thế là Bách hóa Tổng hợp trở thành bãi đất hoang cho đến năm 1999. Cuối cùng thì Vinaconex, một Tổng công ty lớn thuộc Bộ Xây dựng đàm phán mua lại. Năm 2000, đơn vị thi công đào móng để xây trung tâm thương mại đã phát hiện được dấu tích của xưởng đúc. Bây giờ thì xưởng đúc tiền từ đầu thế kỷ XIX đã trở thành Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, nhộn nhịp kẻ bán người mua với hàng hóa được sản xuất từ nhiều nước trên thế giới. Hình ảnh một Bách hóa Tổng hợp xưa giờ chỉ còn trong ký ức của những người trung niên và cao tuổi. Vừa rồi tôi đã giới thiệu cho quý khách về lịch sử phát triển của khu trung tâm Tràng Tiền Plaza. Bây giờ quý khách sẽ có khoảng 40phút để đi thăm quan khu trung tâm sầm uất này và mua sắm đồ. Đúng 11h30', mọi người tập trung xuống tầng một, ngay tại vị trí mà mọi người đang đứng đây, xe sẽ đón chúng ta về khách sạn. ………… Đã đến 11h30' rồi ạ! Tất cả mọi người đã xuống đủ rồi phải không ạ? Bây giờ chúng ta sẽ ra xe…Xin mời mọi người lên xe!.... Đã sắp về đến cổng trường Văn hoá, tôi xin phép được có đôi lời trước khi đoàn chúng ta chia tay. Buổi ngày hôm nay, tôi rất vinh dự vì đã được dẫn đoàn chúng ta đi tham quan một số điểm di tích tiểu biểu của Hà Nội, và cũng rất vui mừng khi tôi đã cung cấp cho quý vị một số thông tin về các điểm du lịch đó, giúp quý vị có thể hiểu thêm một phần nào về đất nước và con người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Một thành phố vì hoà bình vơi những con người thân thiện và mến khách. Hy vọng sẽ có một dịp khác tôi lại đựoc phục vụ các quý vị ngồi đây. Xin chào quý khách và hẹn gặp lại một ngày không xa! ----- The end ----- TÀI LIỆU THAM KHẢO -------- Ó Î ---- Ó Î-------- 1. Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn - Nguyễn Vĩnh Phúc - Nhà xuất bản Hà Nội. 2. Những giá trị lịch sử văn hoá 1000 năm Thăng Long Hà Nội - Nguyễn Viết Chức - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. 3. Đường phố Hà Nội - Nguyễn Vĩnh phúc - Nhà xuất bản Hà Nội. 4. Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Nguyễn Vĩnh Phúc - NXB Hà Nội. 5. Và một số các trang web như :

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài thuyết trình nhóm 3.doc
Luận văn liên quan