Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, các nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, cùng với đó là những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Giao thông của nước ta hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cùng với đó là tai nạn giao thông đã và đang cướp đi tính mạng và sức khoẻ của rất nhiều người. Khi mà tình hình giao thông chưa có dấu hiệu khả quan hơn, tai nạn giao thông không có xu hướng giảm thiểu nhiều, thì việc bù đắp cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân của họ là một việc có giá trị nhân văn rất lớn. Bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra là một chế định rất quan trọng, nó góp phần khắc phục kịp thời những khó khăn mà người bị thiệt hại gặp phải. Bên cạnh đó, khi có thiệt hại do các phương tiện giao thông cơ giới gây ra thì người bị ảnh hưởng không chỉ là người đó mà còn kéo theo cả những hệ luỵ đối với người thân của họ nữa, ngay bản thân người gây thiệt hại cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong bồi thường thiệt hại. Do đó, việc nghiên cứu và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện đó có ý nghĩa quan trọng trong cả lý luận và thực tiễn. Trong bài tập này em sẽ đề cập đến các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, các nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, cùng với đó là những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện đó gây ra. MỤC LỤC Tiêu đề Trang A. Đặt vấn đề 1 B. Giải quyết vấn đề 2 I. Khái niệm 1. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới 2. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tại cơ giới 3. Bồi thường thiệt hại do phương tiện . II. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường 1. Có thiệt hại xảy ra 2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật 3. Có lỗi của người gây thiệt hại 4. Co mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại III. Nguyên tắc bồi thường và xác định mức bổi thường. 1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại 2. Xác định mức độ thiệt hại IV. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp bồi thường 1. Chủ sở hữu phương tiện 2. Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện 3. Cơ quan bảo hiểm V. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại

doc26 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3150 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, các nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, cùng với đó là những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Giao thông của nước ta hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cùng với đó là tai nạn giao thông đã và đang cướp đi tính mạng và sức khoẻ của rất nhiều người. Khi mà tình hình giao thông chưa có dấu hiệu khả quan hơn, tai nạn giao thông không có xu hướng giảm thiểu nhiều, thì việc bù đắp cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân của họ là một việc có giá trị nhân văn rất lớn. Bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra là một chế định rất quan trọng, nó góp phần khắc phục kịp thời những khó khăn mà người bị thiệt hại gặp phải. Bên cạnh đó, khi có thiệt hại do các phương tiện giao thông cơ giới gây ra thì người bị ảnh hưởng không chỉ là người đó mà còn kéo theo cả những hệ luỵ đối với người thân của họ nữa, ngay bản thân người gây thiệt hại cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong bồi thường thiệt hại. Do đó, việc nghiên cứu và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện đó có ý nghĩa quan trọng trong cả lý luận và thực tiễn. Trong bài tập này em sẽ đề cập đến các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, các nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, cùng với đó là những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện đó gây ra. Do kiến thức còn hạn chế, nhiều ý kiến đánh giá còn mang tính chủ quan nên việc trình bày cả về hình thức lẫn nội dung không tránh khỏi những sai sót nhất định, mong thầy cô phê bình và đóng góp để em có thể hoàn thiện kiến thức hơn. Em xin chân thành cảm ơn! B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. I. Khái niệm. Nhằm giải quyết vấn đề, em xin đưa ra một số khái niệm liên quan đến bài tập. 1. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật chính thức của nhà nước chưa có một định nghĩa cụ thể nào về các phương tiện giao thông vận tải cơ giới gồm những phương tiện nào. Luật Giao thông đường bộ quy định tại điểm 18 khoản 3: “Phương tiện giao thông cơ giới (sau đây gọi là xe cơ giới) đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”. Đây chỉ là các phương tiện vận tải cơ giới trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như vậy vẫn còn có các phương tiện vận tải cơ giới đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không. Các phương tiện tiện giao thông vận tải cơ giới là các loại xe chạy bằng động cơ, có tốc độ và khả năng vận chuyển khối lượng lớn tài con người, tài sản được con người điều khiển. Xe cơ giới có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải bởi tính tiện ích của nó, bên cạnh đó nó cũng tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại lớn cho xã hội. 2. Người điều khiển phương tiện vận tải cơ giới. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải là người trực tiếp vận hành các phương tiện vận tải như ô tô, mô tô hai bánh...Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải có thể là người chủ sở hữu phương tiện, người được chủ sở hữu giao cho phương tiện thông qua các hợp đồng, người chiếm hữu bất hợp pháp phương tiện giao thông vận tải. Việc xác định người điều khiển phương tiện và mối quan hệ của người điều khiển phương tiện với chủ sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện giao thông vận tải cơ giới bắt buộc phải có các loại giấy phép lái xe, bằng lái xe tuỳ theo phương tiện mà người đó điều khiển. Tuy vậy, việc chấp hành các quy định này không được tuân thủ chặt chẽ trên thực tế dẫn tới các trường hợp gây thiệt hại lớn cho xã hội. VD: A 17 tuổi điều khiển xe mô tô 2 bánh 110cc gây tai nạn nghiêm trọng do không làm chủ được tốc độ. Lúc này việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ có khác biệt nhất định so với các trường hợp người đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới gây ra. 3. Bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra. Bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới (sau đây gọi là xe cơ giới) và người điều khiển gây ra là một phần của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự 2005. Qua đó, bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra cũng sẽ có đầy đủ những đặc điểm, cơ chế phát sinh và việc xác định mức bồi thường thiệt sẽ tương tự như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó do tính chất của xe cơ giới và việc gây thiệt hại trong các lĩnh vực giao thông vận tải cơ giới nên việc bồi thường thiệt hại sẽ có những khác biệt nhât định (như trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có một trường hợp đặc biệt đó là người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại ngay cả trong trường hợp không có lỗi thuộc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra). Việc bồi thường thiệt hại do xe cơ giới và người điều khiển gây ra trước tiên nhằm khắc phục kịp thời những thiệt hại xảy ra đối với người bị thiệt hại. Đối với những thiệt hại là tài sản thì người gây thiệt hại có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản như trước khi bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khôi phục lại hiện trạng có thể gặp phải những khó khăn nhất định đối với nhiều loại tài sản. Do vậy, pháp luật đã có nhiều hình thức khác nhau làm nhằm khắc phục tình trạng nêu trên (ví dụ như việc áp dụng các hình thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe cơ giới). Xe cơ giới luôn tiểm ẩn khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ, tính mạng của người khác, chính vì lẽ đó nên theo quy định của điều 623 của BLDS thì xe cơ giới được xếp vào một trong những loại nguồn nguy hiểm cao độ. Khi gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì việc bồi thường thiệt hại lúc này không thể “khôi phục lại tình trạng ban đầu” được nữa, việc bồi thường thiệt hại lúc này chỉ có ý nghĩa trong việc khắc phục, hạn chế những khó khăn mà người bị thiệt hại mắc phải trong thời gian điều trị mà thôi. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn nhằm giáo dục ý thức của người điều khiển phương tiện vận tải cơ giới có trách nhiệm hơn trong việc tham gia giao thông nhằm đảm bảo những thiệt hại không đáng có xảy ra. II. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra là những yêu tố, cơ sỏ pháp lý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xem xét trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất và đấỳ đủ. Xuất phát từ những điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra chỉ phát sinh khi có đầy đủ những điều kiện sau đây: 1. Có thiệt hại xảy ra. Xuất phát từ ý nghĩa của việc bồi thường thiệt hại là nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản, hạn chế những khó khăn của người bị thiệt hại gặp phải, nên việc bồi thường thiệt hại chỉ có ý nghĩa khi có thiệt hại xảy ra, hay nói cách khác, thiệt hại là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong các vụ việc gây thiệt hại do xe cơ giới gây ra là những thiệt hại thực tế có thể tính được thành tiền do việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Theo quy định của Bộ luật Hình sự về các tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thì thiệt hại phải đến một mức độ nào đó mới phát sinh trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra thì không căn cứ vào việc gây thiệt hại lớn hay nhỏ, chỉ cần có thiệt hại xảy ra là sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì thiệt hại là điều kiện bắt buộc trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên ta cần hiểu thiệt hại có nghĩa là như thế nào. - Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có thể là việc một người bị phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện gây thiệt hại (đâm, va, quệt) dẫn tới việc người đó thiệt mạng hoặc giảm sút về sức khỏe. Việc gây tai nạn giao thông làm phát sinh những thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi thường, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ. - Thiệt hại về tài sản biểu hiện cụ thể là việc tài sản bị giảm sút, mấy tính năng ban đầu do có sự tác động từ các phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Cùng với đó, thiệt hại về tài sản còn bao gồm những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế, những lợi ích gắn liền với việc khai thác công dụng của tài sản. VD: A là lái xe ô tô trong một lần say rượu đã đâm vào chiếc taxi của B đang để trong bến đậu xe dẫn đến chiếc xe của B bị hư hỏng nặng, B phải ngừng khai thác công dụng (lái taxi) của chiếc xe để tiến hành sửa chữa. Như vậy, thiệt hại vật chất ở đây bao gồm chi phí để chữa xe và lợi ích bị mất do việc không khai thác được chiếc xe trong thời gian sửa chữa, đương nhiên, A sẽ phải bồi thường hai chi phí nêu trên. - Tổn thất về tinh thần. Trong các vụ tai nạn giao thông, thiệt hại có thể là tính mạng của một người, điều đó dẫn đến việc người con mất cha, người vợ mất chồng… dẫn đến tình trạng tang thương góa bụa của những người thân thích của người chết. Những thiệt hại này thì không thể lượng hoá thành tiền theo nguyên tắc đền bù ngang giá được. Nhưng với mục đích an ủi, động viên đối với thân nhân của người bị thiệt hại, luật dân sự quy định người có hành vi gây thiệt hại phải: “Bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của người đó phải gánh chịu”. 2. Hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái pháp luật. Mọi công dân đều có quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản một cách tuyệt đối. Tất cả những người khác đều có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền đó, không được xâm phạm các quyền đó. Do đó việc xâm phạm đến các quyền tuyệt đối nêu trên đều là hành vi vi phạm páhp luật. Tuỳ theo mức độ, tính chất của vi phạm mà sẽ phát sinh trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc dân sự. Khi vận hành các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hành vi trái pháp luật gây thiệt hại có thể là các hành vi vi phạm những quy định của các luật về giao thông vận tải như Luật Giao thông đương bộ, Luật Hàng không… Ngoài ra hành vi gây thiệt hại có thể là việc người điều khiển phương tiện không tuân thủ các quy định về bảo quản phương tiện vận tải dẫn đến việc phương tiện bị chiếm hữu một cách bất hợp pháp thì chủ sở hữu vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đôi khi, chủ sở hữu phương tiện, người điều khiển phương tiện không có hành vi trái pháp luật nhưng vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nguyên nhân của việc này là các phương tiện giao thông vận tải cơ giới tự thân nó là nguồn nguy hiểm cao độ nên khi chủ sở hữu quyết định đăng ký quyền sở hữu nghĩa là họ đã chấp nhận rủi ro có thể xảy đến với phương tiện của mình. Tất nhiên, khi họ đã chấp nhận điều đó đồng nghĩa với việc họ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không có hành vi gây thiệt hại. 3. Có lỗi của người gây thiệt hại. Nguyên tắc trong việc áp dụng luật dân sự cũng như luật hình sự là một người chỉ bị áp dụng chế tài khi họ có lỗi đối với việc gây ra thiệt hại, và lỗi của họ đến đâu thì áp dụng chế tài đến đó. Do vậy, người điều khiển phương tiện chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp họ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại (trừ trường hợp thiệt hại xảy ra được xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra). Theo quy định của điều 604 thì lỗi của người điều khiển phương tiện nói riêng, người gây thiệt hại nói riêng có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Cố ý gây thiệt hại là một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn, hoặc không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc có thể thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Xung quanh việc xác định hình thức lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng việc gây thiệt hại với lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện thì sẽ không áp dụng trách nhiệm bồi thiệt hại do nguời điểu khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra, việc áp dụng trách nhiệm dân sự nêu trên chỉ áp dụng khi người điều khiển phương tiện có lỗi vô ý, còn khi đã có lỗi cố ý thì phải áp dụng trường hợp bồi thường do hành vi của con người gây ra. Em không đồng ý với quan điểm nêu trên, em cho rằng người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới vẫn có thể có lỗi cố ý được. Thứ nhất, người điều khiển phương tiện biết việc thực hiện hành vi của mình là có khả năng gây thiệt hại nhưng vẫn thực hiện, khi thiệt hại xảy ra thì được coi là người này đã có lỗi cố ý với hành vi và vô ý đối với hậu quả. VD: Một người vượt đèn đỏ biết được hành vi của mình có thể gây thiệt hại nhưng không mong muốn và tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra, tuy nhiên hành vi đó đã gây thiệt hại cho người đi đường khi họ đi đúng tín hiệu giao thông. Thứ hai, người điều khiển phương tiện cố ý với cả hành vi và hậu quả thiệt hại khi họ cho rằng họ được phép gây thiệt hại trong trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. VD: A đang lái xe ô tô thì bị một đám thanh niên đuổi đánh, A đã nhằm thẳng một người đang dùng vũ khí đập xe mình và đâm thẳng vào người đó. Nếu như hành vi của A chỉ dừng lại ở đó thì được coi là phòng vệ chính đáng và không phải bồi thường, nhưng A lo ngại người này sẽ đứng dậy được và tiếp tục đập xe lên A đã lùi xe lại cán gẫy chân người này. Trường hợp này A đã gây thiệt hại so vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng và phải bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, ta cần đặc biệt chú ý tới trường hợp gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, lúc này chủ sở hữu, người chiếm hữu phải bồi thường thiệt hại ngay cả trong trường hợp họ không có lỗi. BLDS coi đây là một loại “trách nhiệm dân sự nâng cao” đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là thiệt hại do tự thân của phương tiện khi vận hành gây ra. Đây là điểm khác biệt của hai trường hợp bồi thương thiệt hại do phương tiện và bồi thường thiệt hại do người điều khiển phương tiện gây ra. VD: Chị Hoa gửi xe vào trong bãi đậu xe của anh Hoàng. Khoảng 15 phút sau, chiếc xe bất chợt phát nổ gây thiệt hại cho những chiếc xe xung quanh. Trong trường hợp này, người chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không phải người đang chiếm hữu phương tiện. 4. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra trong các vụ tai nạn giao thông là kết quả của hành vi trái pháp luật, hay nói cách khác, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại điều 604: “Người nào… xâm phạm …mà gây thiệt hại” thì phải bồi thường. Ở đây ta thấy hành vi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản… là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi đó. Mối quan hệ nhân quả thể hiện trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương tự như mối quan hệ của cặp phạm trù nhân quả. Nghĩa là hành vi gây ra thiệt hại do người điều khiển phương tiện phải diễn ra trước về mặt thời gian so với thiệt hại thực tế xảy ra. VD: A lái xe đâm vào một xác chết (xác của một người bị một nhóm nguời giết rổi vứt ra đường) dẫn tới nát phần đùi bên trái của xác chết, thì việc đâm phải xác chết này không được coi là xâm phậm đến tính mạng, sức khoẻ của người chết được. Bên cạnh đó, hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến hậu quả thiệt hại. VD: An là xe ôm, An chở một lúc 2 người đến trường Đại học Luật Hà Nội. Đang ngồi trên xe thì B nhảy xuống xe để trốn tiền xe ôm khi xe đang chạy dẫn đến tử vong do va đầu vào gạch ven đường. Ở đây ta không thể cho rằng việc An chở quá số người quy định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của B được. III. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp gây thiệt hại. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây thiệt hại có thể là chủ sở hữu phương tiện, người chiếm hữu phương tiện hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Thông qua mối quan hệ giữa các chủ thể ta có thể xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về một chủ thể, hoặc các chủ thể liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, do các phương tiện giao thông vận tải cơ giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc nên xuất hiện một chủ thể nữa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ quan bảo hiểm. 1. Chủ sở hữu phương tiện. Chủ sở hữu phương tiện cơ giới có thể là cá nhân hay tổ chức. Chủ sở hữu phương tiện đuợc pháp luật công nhận quyền sở hữu của mình đối với phương tiện vận tải cơ giới, bởi vậy họ có quyền sử dụng phương tiện vào các mục đích hợp pháp theo ý muốn của mình. Xuất phát từ việc khai thác công dụng của phương tiện, chủ sở hữu cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi sử dụng phương tiện dẫn tới việc gây thiệt hại đến xã hội. Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp sau: - Trong trường hợp chủ sở hữu là người đang vận hành phương tiện, thiệt hại xảy ra do tự thân phương tiện gây ra, đây trường hợp chủ sở hữu phương tiện phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ do mình đang chiếm hữu, sử dụng gây ra. - Chủ sở hữu là người trực tiếp điều khiển phương tiện có hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Các hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà người điều khiển phương tiện giao thông vận tải có thể gây ra cho xã hội: Gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; gây thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; điều khiển phương tiện sau khi dùng chất kích thích; gây thiệt hại trong trường hợp người điều khiển phương tiện và người bị thiệt hại cùng có lỗi. - Chủ sở hữu có lỗi trong việc trông coi, bảo quản phương tiện để người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp gây tai nạn mà không xác định được người chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp hoặc trong trường hợp chủ sở hữu có lỗi trong việc bảo quản dẫn đến việc để người không có năng lực hành vi chiếm hữu, sử dụng phương tiện gây tai nạn. - Chủ sở hữu giao cho người khác sử dụng theo quan hệ của hợp đồng lao động, theo chế độ công vụ. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện theo hợp đồng lao động, theo chế độ công vụ thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp phương tiện thuộc quyền sở hữu của mình gây thiệt hại. Chủ sở hữu phương tiện phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: - Người được chủ sở hữu giao phương tiện trong hợp đồng khoán việc gây thiệt hại. Trong trường hợp này chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường liên đới với người điều khiển phương tiện. - Trường hợp gây thiệt hại do rủi ro trong quá trình vận hành phương tiện. Rủi ro trong chế định này là một trong những đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ. Trong quá trình sử dụng phương tiện, chủ sở hữu phương tiện, người được giao chiếm hữu sử dụng phương tiện có thể ý thức được sự rủi ro nhưng không thể ngăn ngừa được. - Giao quyền chiếm hữu, quyền sử dụng trong trường hợp cho thuê phương tiện. Trong quan hệ thuê phương tiện thì mục đích của chủ sở hữu phương tiện là nhằm thu lợi từ việc cho thuê tài sản của mình, còn người thuê phương tiện có thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hay nhằm mục đích thu lợi thông qua việc sử dụng phương tiện. 2. Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện không phải là chủ sở hữu phương tiện. Họ có thể là người được chủ sở hữu giao phương tiện thông qua một hợp đồng dân sự, cũng có thể họ là người chiếm hữu, sử dụng phương tiện một cách bất hợp pháp, không có căn cứ pháp luật. 2.1 Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện không có căn cứ pháp luật. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, khi xuất hiện rủi ro dẫn đến việc gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, sức khoẻ của người khác thì theo quy định tại khoản 4 điều 623 BLDS thì: “Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại”. Như vậy, khi một người có hành vi chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải một cách bất hợp pháp thì họ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại khi chủ phương tiện đã chấp hành đầy các biện pháp về bảo quản, trông giữ phương tiện. VD: A gửi xe ô tô tại bãi đỗ xe Ngọc Khánh. A đã khoá xe cẩn thận, nhưng B là nhân viên giữ xe đã dùng chìa khoá vạn năng để mở khoá xe để lấy xe đi chơi. Trong trường hợp này nếu B gây thiệt hại thì B có trách nhiệm hoàn toàn trong việc bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp người chiếm hữu, sử dụng phương tiện một cách trái pháp luật và chủ sở hữu phương tiện có lỗi để phương tiện bị chiếm hữu một cách bất hợp pháp thì người chiếm hữu, sử dụng phương tiện bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới với chủ sở hữu phương tiện. Quy định này làm tăng trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện trong việc bảo quản, trông giữ phương tiện của mình. VD: Anh Vịnh lái xe tải về làng, anh để xe tải đầu làng nhưng lại không rút chìa khoá điện. Minh là em họ của anh Vịnh đang học lái xe thấy thế lén lút lên xe và cho xe chạy. Khi đang chạy xe thì chiếc xe bị gẫy trục gây thiệt hại cho anh Cảnh đang đi cùng chiều. Trong trường hợp này, anh Vịnh và Minh có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho anh Cảnh. 2.2 Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện có căn cứ pháp luật thông qua một hợp đồng dân sự. Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải hợp pháp là người được chủ sở hữu phương tiện chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng phương tiện trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài những trường hợp liên đới bồi thường thiệt hại với chủ sở hữu phương tiện đã nêu ở phần trên, thì người chiếm hữu, sử dụng phương tiện phải bồi thường trong những trường hợp sau đây: - Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải hợp pháp chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ mà họ đang chiếm hữu sử dụng phương tiện gây ra. Trường hợp này, trách nhiệm bảo quản, tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn giao thông từ chủ phương tiện đã được chuyển giao cho người chiếm hữu, sử dụng phương tiện hợp pháp, do vậy nên học có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tự thân phương tiện gây ra. Tuy nhiên, người chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông vận tải chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp họ đang khai thác công dụng từ phương tiện, còn trong trường hợp họ chỉ chiếm hữu qua hợp đồng gửi giữ thì họ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. - Trong trường hợp người chiếm hữu, sử dụng phương tiện có được phương tiện thông qua một hợp đồng mượn tài sản. Bên mượn tài sản (có thể bao gồm người mượn và người điều khiển phương tiện) phải bồi thường thiệt hại khi gây thiệ hại cho xã hội. Tuy nhiên, ta cũng cần lưu ý một trường hợp đó là chủ sở hữu phương tiện đã giao cho người mượn (mà chủ sở hữu biết rõ là không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cho mượn) thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên đới giữa các chủ thể. - Trường hợp chủ sở hữu phương tiện giao phương tiện cho người khác chiếm hữu, sử dụng dưới hình thức cho thuê phương tiện, thì giữa họ có thể thoả thuận viêc bồi thường thiệt hại khi tai nạn xảy ra. Thông thường trên thực tế các bên thoả thuân việc bồi thường thiệt hại thuộc về người thuê phương tiện. 3. Cơ quan bảo hiểm thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ đặc điểm riêng biệt của phương tiện giao thông vận tải cơ giới khi hoạt động thường gây nguy hiểm đối với người xung quanh, khả năng gây ra thiệt hại là rất lớn. Vì vậy, các phương tiện giao thông vận tải cơ giới khi đăng ký hoạt động bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ tàu…). Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe cơ giới có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời thiệt hại. Bên cạnh đó, quy định này còn nhằm ổn định tài chính cho chủ sở hữu phương tiện khi gây thiệt hại quá lớn so với khả năng tài chính của chủ xe và người bị thiệt hại. Cơ quan bảo hiểm tiến hành bảo hiểm theo nguyên tắc bảo hiểm toàn diện, được thảo thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Tất cả thiệt hại xảy ra đều được bồi thường. Song cơ quan bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp vi phạm các quy tắc bảo hiểm, các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm sẽ được quy định chặt chẽ trong hợp đồng bảo hiểm và được sự đồng ý của các bên tham gia bảo hiểm. Trong trường hợp hỗn hợp lỗi thì cơ quan bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với phần người điều khiển phương tiện có lỗi. Phần lỗi không thuộc về người điều khiển phương tiện, cơ quan bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường. IV. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại và xác định mức độ thiệt hại. 1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Nhằm đảm bảo được mục đích của việc bồi thường thiệt hại khi hành vi trái pháp luật gây ra, khi tiến hành bồi thường thiệt hại cần đảm bảo những nguyên tắc việc bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời. Nguyên tắc chung nhất trong bồi thường thiệt hại nói chung và bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới nói riêng là bồi thường toàn bộ, kịp thời cho người bị thiệt hại. Bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người điều khiển phương tiện gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định bồi thường thiệt hại. Bồi thường toàn bộ được hiểu là bồi thường toàn bộ những chi phí hợp lý để khắc phục những thiệt hại xảy ra đối với người bị thiệt hại, những thiệt hại này có thể là thiệt hại về tài sản, về thu nhập thực tế bị mất, những tổn thất tinh thần do người thân qua đời đối với những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định những khoản bồi thường thiệt hại toàn bộ sẽ được làm rõ ở phần xác định mức độ bồi thường thiệt hại. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại được xác định là việc người điều khiển phương tiện, chủ sở hữu phương tiện nhanh chóng bồi thường khoản vật chất cho người bị thiệt hại, nhằm tạo điều kiện cho người bị thiệt hại có thể thuận tiện hơn trong việc khắc phục hậu quả. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các vụ tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp nạn nhân có thể được cứu chữa, hạn chế thiệt hại, bởi không phải nạn nhân nào cũng có điều kiện thanh toán tiền viện phí khi mà số tiền vượt quá khả năng của họ. Do vậy, việc quy định thủ tục tố tụng dân sự đảm bảo yếu tố này là hết sức cần thiết. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của Toà án. Khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, người điều khiển phương tiện, chủ sở hữu phương tiện bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới. Quy định bắt buộc này có ý nghĩa quan trọng khi có thiệt hại xảy ra vượt quá khả năng thực tế của chủ sở hữu, người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó vẫn có trường hợp người điều khiển phương tiện là xe cơ giới không có hợp đồng bảo hiểm, hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã hết thời hạn bảo hiểm thì việc bồi thường thiệt hại sẽ rất khó khăn cho nạn nhân khi mức độ thiệt hại quá lớn. Theo quy định của khoản 2 điều 605 BLDS thì: “giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại”. Quy định trên nhằm đảm bảo tính khả thi của bản án và quyết định của Toà án. Nếu như ta áp dụng một cách máy móc nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại khi có hành vi trái pháp luật của người điều khiển phương tiện thì bản án sẽ không thể được thực hiện trên thực tế. Thiết nghĩ, ngay cả trong trường hợp người điều khiển phương tiện có lỗi cố ý (phần này đã được trình bày rõ ràng ở mục trên) gây ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt hay lâu dài của người điều khiển phương tiện thì cũng nên áp dụng nguyên tắc này. Quy định quá lớn so với khả năng kinh tế của người gây thiệt hại không có một mức “trần” trên thực tế được. Vì đối với mỗi người thì khả năng kinh tế sẽ có sự khác biệt nhất định, do vậy cần căn cứ vào tình hình kinh tế thực tế của mỗi người gây thiệt hại để xác định mức độ quá lớn, từ đó làm căn cứ để xác định giảm mức bồi thường thiệt hại. Ta cũng cần phân biệt rõ ràng giữa việc giảm mức bồi thường thiệt hại so với việc tạm đình chỉ quyêt định của Toà án. Nguyên tắc thay đổi mức bồi thường. Với tính chất là một vụ việc dân sự, các đương sự có thể thoả thuận với nhau về mức độ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, khi các bên không thoả thuận được thì Toà án sẽ xác định mức độ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, mức độ bồi thường thiệt hại do thoả thuận hoặc quyết định của Toà án có thể bị thay đồi nếu mức độ bồi thường thiệt hại “không còn phù hợp với thực tế nữa”. Việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế nữa dựa vào tình hình thực tế của xã hội, biến động giá cả, tình hình sức khoẻ của người bị thiệt hại, chi phí cho việc chữa chạy cho người bị thiệt hại… Toà án sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, khi có yêu cầu của các bên thì xem xét việc thay đồi mức bồi thường thiệt hại. VD: Năm 2000, Lâm là lái xe taxi do không làm chủ được tốc độ nên đã gây tai nạn dẫn đến việc anh Bình bị liệt nửa người, anh Bình phải nằm điều trị liên tục ở bệnh viện. Do anh Bình là cán bộ công chức nhà nước nên Lâm có trách nhiệm phải bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất cho anh Bình. Khi có sự thay đổi về mức lương cơ bản dành cho cán bộ công chức thì anh Bình có quyền yêu cầu Toà án buộc Lâm phải tăng mức bồi thường do chi phí thực tế bị mất. 2. Xác định mức độ thiệt hại. Nhằm đảm bảo tính chính xác của các nguyên tắc bồi thường thiệt hại, ta cần xác định được mức độ bồi thường thiệt hại thực tế để từ đó là cở sở ấn định mức bồi thường. Theo quy định của Mục 2 chương XXI Phần thứ ba BLDS thì các loại thiệt hại đuợc bồi thường bao gồm: thiệt hại về tài sản; thiệt hại về sức khoẻ; thiệt hại về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín. 2.1 Thiệt hại về tài sản. Theo quy định của Điều 608 BLDS thì thiệt hại về tài sản bao gồm các thiệt hại do tài sản “bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”. Như vậy, thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm khôi phục tình trạng ban đầu của tài sản và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác tài sản từ thời điểm bị thiệt hại đến thời điểm được bồi thường. Trong các vụ tai nạn giao thông, do người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới gây ra thì thiệt hại tài sản chủ yếu là do sự tác động một lực vật lý vào tài sản dẫn đến việc tài sản bị biến dạng, mất đi những thuộc tính ban đầu của tài sản. Cùng với đó, trong thời gian tài sản sửa chữa có thể ảnh hưởng đến việc thu hao lợi, lợi tức có được từ việc khai thác tài sản cũng đưụơc xác định thiệt hại gián tiếp do hành vi trái pháp luật của người điều khiển phương tiện gây ra. Khi tiến hành bồi thường thiệt hại về tài sản, các bên thoả thuận về mức bồi thường, cách thức tiến hành. Bồi thường trực tiếp có thể được thực hiện thông qua việc đền bù một khoản tiền, thay thế bằng một vật khác, hoặc thực hiện một công việc cho người bị thiệt hại (như việc người gây thiệt hại đã tự mình sửa lại tài sản cho người bị thiệt hại). Nếu việc bồi thường bằng hiện vật không thể tiến hành trên thực tế thì các bên căn cứ căn cứ vào giá trị của tài sản (có trừ đi khấu hao do sử dụng) đê bồi thường bằng tiền. Việc bồi thường bằng tiền có thể tiến hành một lần, hoặc nhiều lần tuỳ vào sự thoả thuận của các bên. 2.2 Thiệt hại về sức khoẻ. Thực tế, sức khoẻ là vốn quý giá nhât của con người. Do vậy, việc bồi thường thiệt hại chỉ là bồi thường một phần đối với người bị thiệt hại, nhằm tạo điều kiện cho nạn nhân, gia đình nạn nhân khắc phục những khó khăn do tai nạn gây nên. Trong một số trường hợp việc bồi thường còn có ý nghĩa là một trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân. Mức độ thiệt hại về sức khoẻ bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi các chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế của người bị tai nạn, người chăm sóc người bị hại bị mất hoặc giảm sút; thu nhập chênh lệch trước và sau tai nạn; tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Việc bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là một khái niệm mang tính trừu tượng. Hiện tại, pháp luật không có mẫu số chung cho việc xác định mức bồi thường thiệt hại này đối với tất cả mọi người một cách chính xác. Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần phụ thuộc vào từng cá nhân của người bị thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì tối đa không vượt quá ba mươi tháng lương tối thiểu của nhà nước. 2.3 Thiệt hại về tính mạng bị xâm hại. Tính mạng của con người là vô giá không thể tính thành tiền được. Vì vậy, bồi thường thiệt về tính mạng thực chất là vật chất bỏ ra liên quan đến cái chết của người bị thiệt hại. Những chi phí bỏ ra bao gồm: - Những chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi thường chăm sóc nạn nhân trước khi chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. - Tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng khi họ còn sống (con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động…) - Khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. V. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra. 1. Người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi. Theo quy định của điểm a, khoản 3 điều 623 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu sử dụng phương tiện hợp pháp không phải bồi thường thiệt hại khi: “Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”. Trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, thiệt hại xảy đến hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Do thiếu yếu tố lỗi trong điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nên người điều khiển phương tiện không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động giao thông vận tải của các chủ phương tiện. Bởi lẽ khi tham gia giao thông, mặc dù người điều khiển phương tiện dù cố gắng đến đâu, khi đối diện với những tình huống chủ định của người bị thiệt hại thì cũng không thể tránh được thiệt hại xảy ra. VD: Anh Chí đang lái xe đúng phần đường của mình, chạy xe đúng tốc độ, đột nhiên có một người muốn tự tử lao đầu vào xe của anh. Người này chết ngay tại chỗ. Ta không thể buộc anh Chí chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ này được, vì rõ ràng anh không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại. 2. Người điều khiển phương tiện gây ra thiệt hại trong giới hạn phòng vệ chính đáng. Nhằm khuyến khích các cá nhân tự bảo vệ, chủ động ngăn chặn các hành vi trái pháp luật làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Pháp luật coi việc chống trả các hành vi xâm phạm nêu trên trong chừng mực nhât định là phòng vệ chính đáng. Chế định phòng vệ chính đáng được quy định trong pháp luật hình sự, luật dân sự cũng tiếp thu chế định trên cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Theo quy định của Điều 15 BLHS 1999 thì: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả một cách cần thiệt người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác được coi là Phòng vệ chính đáng đồng nghĩa với việc hành vi đó không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, hành vi gây thiệt hại trong giới hạn phòng vệ chính đáng không đủ bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, Điều 613 của BLDS 2005 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng thì nó phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của chế định về phòng vệ chính đáng. Thông thường, về mặt thực tiễn trong hoạt động giao thông vận tải cơ giới thì rất ít có trường hợp phương tiện giao thông vận tải và người điều khiển phương tiện gây thiệt hại được coi là phòng vệ chinh đáng. Phần lớn các thiệt hại xảy đến đều do lỗi của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, không hẳn là không có việc người điều khiển phương tiện gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng. Dưới đây là một ví dụ: Ngày 01/04/2009, anh Nam đang lái xe trên đường Nguyễn Chí Thanh thì có mấy người mang mã tấu đến buộc anh dừng xe để “nói chuyện”. Có hai tên áp sát bên hông xe và một tên chặn đầu xe, biết dừng lại sẽ không an toàn lên anh Nam tiếp tục phóng thẳng vào tên phía trước để chạy. Kết quả là một tên trong số ba tên đó bị gẫy chân. Trong trường hợp này, anh Nam nhằm bào đảm lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi hung hã của ba người kia nên đã buộc phải gây thiệt hại. Do vậy, anh Nam không có trách nhiệm trong việc bồi thường do sức khỏe của tên đó bị thiệt hại. 3. Người điều khiển phương tiện gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Cũng tương tự như trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết là một chế định trong luật hình sự, được quy định trong luật dân sự. Theo quy định tại điều 614 BLDS 2005: “Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người gây thiệt hại”. Còn trong pháp luật hình sự thì quy định tại điều 16 như sau: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước. của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không có cách nào khác khác phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”. Trong pháp luật hình sự, gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không bị coi là tội phạm. Xuất phát từ quy định này, khi người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Người đã có hành vi dẫn đến tình thế cấp thiết sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của người điều khiển phương tiện gây ra, vì chính họ đã có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình thế cấp thiết nên phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. VD: Anh Thân đang lái xe trên đường Thái Hà. Do đùa nghịch nên Mạnh đã đẩy bạn mình xuống lòng đường, ngay trước múi xe của anh Thân. Xe đang chạy với vận tốc 40km/h nên việc phanh gấp sẽ không đạt hiệu quả, anh Thân quyết định bẻ tay lái đánh xe vào một gian hàng quần áo ở gần đó, gây thiệt hại về tài sản đối với chủ gian hàng. Hành vi gây thiệt hại của anh Thân không phải bồi thường thiệt hại, hành vi trên đã điều kiện của tình thế cấp thiết. Nhằm tránh một nguy cơ thực tế đang đe doạ đến tính mạng của người khác, người điều khiển phương tiện buộc lòng phải gây thiệt hại nhỏ hơn (gây thiệt hại về tài sản thay vì thiệt hại đến tính mạng của con người) so với thiệt hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, chủ gian hàng quần áo cần phải được bồi thường thiệt hại do tài sản bị hư hại. Trong ví dụ nêu trên, Mạnh là người đã có hành vi dẫn đến tình thế cấp thiết, từ đó Mạnh sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. 4. Người điều khiển phương tiện gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng. Sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng khi thoả mãn các điều kiện sau đây: - Đây phải là sự kiện khách quan, sự kiện này có thể so thiên nhiên hoặc con người gây ra; - Đây phải là sự kiện không thể lường trước được; - Sự việc xảy ra không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục cần thiết. Khi người điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây thiệt hại, nhưng có đầy đủ các điều kiện nêu trên thì họ sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sở dĩ có quy định nêu trên, vì người điều khiển phương tiện đã cố gắng bằng mọi cách để ngăn chặn thiệt hại nhưng đã không làm được, và sự kiện dẫn đến tình trạng này cũng không phải do tự thân họ gây nên. Do vậy, hành vi của họ không chứa đựng yếu tố lỗi - một trong những điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, từ đó không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. VD: A là chủ tàu và đồng thời là người điều khiển tàu chở hàng hoá trên biển. Trong một lần vận chuyện hàng hoá trên biển, khi ra khơi thì trời yên biển lặng. Nhưng đến ngày thứ ba thì có bão lớn bất chợt nổi lên (các cơ quan khí tượng thuỷ văn không thể dự báo được sự kiện nêu trên), A đã cố gắng điều khiển tàu vượt qua cơn bão nhưng do bão quá lớn, nếu để hàng hoá trên tàu thì toàn bộ con tàu, thuỷ thủ trên tàu sẽ chìm xuống biển sâu. A đã ra lệnh cho các thuỷ thủ của mình ném toàn bộ số hàng hoá trên tàu xuống biển. Ở ví dụ này, mặc dù A đã cố gắng khắc phục sự kiện nêu trên nhưng không thể được mới dân đến thiệt hại về tài sản (hàng hoá) Trong sự kiện nêu trên, A sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho chủ số hàng hoá nêu trên. 5. Người điều khiển phương tiện gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ. Trong pháp luật dân sự không có quy định về sự kiện bất ngờ, ta có thể dùng khái niệm của luật hình sự loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người điều khiển phương tiện khi họ gây thiệt hại trong tình huống nêu trên. Bộ luật Hình năm 1999 sự quy định về sự kiện bất ngờ tại điều 11 như sau: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải tháy trước hậu của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới khi gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ được coi là không có lỗi trong việc thực hiện hành vi nên họ sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. VD: Chiều ngày 20/11/2008, anh Bách là lái xe tải dừng xe ở bãi đỗ xe để vào quán ăn cơm trưa. Khi anh đang ăn cơm trưa thì em Vinh chơi trốn tìm đã nấp vào gầm xe của anh Bách và ngủ quên trong đó. Dùng bữa xong, anh Bách vừa bắt đầu vận hành xe thì có tiếng kêu vang lên ở gầm xe. Anh lập tức dừng xe và phát hiện em Vinh nằm ở gầm xe và bị bánh xe chèn qua phần tay phải. Trong trường hợp trên, anh Vinh không biết và không buộc phải biết có người nấp ở ngủ trong gầm xe của mình. Do vậy, anh không phải bồi thường thiệt hại về sức khoẻ cho em Vinh. C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ. Bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông vận tải và người điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra là một chế định quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Phân tích, làm rõ vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành giải quyết các tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bài viết đã làm rõ các điều kiện, cơ sở pháp lý phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường và chủ thể có trách nhiệm bồi thường khi phương tiện giao thông vận tải cơ giới và người điều khiển phương tiện gây ra. Đồng thời, xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp phương tiện giao thông vận tải và người điều khiển phương tiện gây ra. Bên cạnh đó, bài viết cũng nêu lên những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phương tiện. TÀI LIỆU THAM KHÀO Bộ luật dân sự năm 2005 Bộ luật hình sự năm 1999 Nghị định của Chính phủ số 103/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 09 năm 2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Nguyễn Thanh Hồng, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Luận án Tiến sĩ Luật học năm 2001. Trịnh Tiến Việt, “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong vụ án tai nạn giao thông”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 2/2000 Lê Phước Ngưỡng, “Tìm hiểu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”. Tạp chí kiểm sát, số 01/2005 Phùng Trung Tập, “Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Tạp chí Toà án, số 10/2004 MỤC LỤC Tiêu đề Trang A. Đặt vấn đề 1 B. Giải quyết vấn đề 2 I. Khái niệm 1. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới 2. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tại cơ giới 3. Bồi thường thiệt hại do phương tiện…. II. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường… 1. Có thiệt hại xảy ra 2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật 3. Có lỗi của người gây thiệt hại 4. Co mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại III. Nguyên tắc bồi thường và xác định mức bổi thường. 1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại 2. Xác định mức độ thiệt hại IV. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp bồi thường 1. Chủ sở hữu phương tiện 2. Người chiếm hữu, sử dụng phương tiện 3. Cơ quan bảo hiểm V. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐiều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, các nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, cùng với đó là những trường hợp l.doc