Luận văn Ngô Kha: trường ca và thơ tự do

Từ những tìm hiểu trên chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về thế giới nghệ thuật thơ Ngô Kha. Ông rất tinh tế, thậm chí là bản lĩnh khi có những thử nghiệm táo bạo với bút pháp hiện đại. Tuy chưa thực sự là đỉnh cao, nhưng Ngô Kha cũng đã đóng góp vào thi đàn Việt Nam những cung điệu mới, làm nên một bước đột phá riêng trong không khí văn học chung thời bấy giờ. Bằng thể loại trường ca kết hợp với thể thơ tự do, với bút pháp siêu thực, nhà thơ đã thể hiện những trăn trở, cùng những cung bậc cảm xúc của lòng mình. Có thể nói rằng Ngô Kha là thi sĩ miền Nam đầu tiên viết thơ siêu thực bằng thể loại trường ca, một điều không kém phần đặc biệt làm nên tên tuổi nhà thơ này.

pdf28 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2338 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Ngô Kha: trường ca và thơ tự do, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn Ngô Kha: trường ca và thơ tự do Trong nền thơ đa dạng ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, Ngô Kha là một nhà thơ độc đáo và có số phận bi kịch. Thơ ông kết hợp tư tưởng yêu nước và tư tưởng hiện sinh, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa siêu thực. Sự nghiệp văn học của ông đã được đề cập trong một số công trình nghiên cứu, phê bình; nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, ở TP Hồ Chí Minh, một sinh viên chọn “Thế giới nghệ thuật thơ Ngô Kha” làm đề tài khoá luận tốt nghiệp của mình. Với những cố gắng và kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Thị Mỹ Hiền, khoá luận này được Hội đồng chấm thi đánh giá xuất sắc. Chúng tôi xin giới thiệu một phần trong chương ba của khoá luận. V. Bêlinxki từng nhận xét: “Mọi sản phẩm nghệ thuật đều là một thế giới riêng, mà khi đi vào đó ta buộc phải sống theo các qui luật của nó, hít thở không khí của nó”. Người nghệ sĩ lúc bấy giờ đóng vai trò một kiến trúc sư, đồng thời cũng là người đi xây dựng công trình của mình. Người đọc, để đến được và sống trọn với thế giới ấy, phải vượt qua rất nhiều thử thách để thâm nhập một cách trọn vẹn. Đi vào tìm hiểu nghệ thuật sáng tác được ví như hành động đi qua cánh cửa cuối cùng mà người viết dày công sắp xếp để lĩnh hội hết ý nghĩa mà tác phẩm nghệ thuật mang lại. Đối với Ngô Kha, việc vượt qua cánh cửa này sẽ giúp chúng ta thấy được tư tưởng cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên hành trình nghệ thuật của nhà thơ mà những vòng xe dẫn ta đi trọn hành trình đó không gì nổi bật hơn là thế giới trường ca và thơ tự do của ông. 3.1. Ngô Kha – nhà thơ dấn thân Ngô Kha là một trong số ít những nhà thơ có số phận khá đặc biệt trên thi đàn Việt Nam. Sinh năm 1935 ở Thế Lại Thượng (thuộc thành phố Huế ngày nay), ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế (1958 - 1959), tốt nghiệp Cử nhân luật khoa (1962), sau đó dạy văn và Giáo dục công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo ở Huế từ 1960 cho đến khi bị thủ tiêu vào 1973. Năm 1966 (?), ông bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức ([1]), đóng quân ở miền Nam ([2]) một thời gian ngắn. Các sự kiện chính trị từ năm 1963 với nhiều cuộc bãi công của công nhân, bãi thị của tiểu thương, biểu tình của đồng bào Phật tử, sinh viên học sinh liên tục nổ ra nhất là ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn đã tác động lớn đến tư tưởng của Ngô Kha. Tiếp thu tư tưởng từ những phong trào đó, từ năm 1963 Ngô Kha luôn nổi bật trong các hoạt động sinh viên học sinh ở Huế và các đô thị miền Nam như một người trí thức yêu nước và một nhà thơ tranh đấu. Ông tham gia vào các phong trào đấu tranh đô thị từ những ngày tham gia nhóm “Quán Bạn” với Trần Quang Long, “Tuyệt tình cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Năm 1964 địch đàn áp nhóm Quán Bạn, cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha cũng bị bắt giam. Năm 1966, giữa phong trào chống Mỹ - Thiệu – Kỳ ở Huế Ngô Kha tham gia tổ chức chiến đoàn Nguyễn Đại Thức ([3]) – một đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai chống lại Thiệu – Kỳ, chốt chặn với lính thủy quân lục chiến nhiều ngày ở đèo Hải Vân. Chiến lược thất bại, một lần nữa ông bị vào tù, lần này Ngô Kha bị đày ra Phú Quốc một thời gian. Bước vào những năm 70, khi phong trào đô thị bùng phát dữ dội ở cả Sài Gòn và Huế, ngoài công việc giảng dạy, Ngô Kha có mặt trong hầu hết các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên. Từ 1970 trở đi, ông chủ biên tập san Tự Quyết của văn nghệ sĩ và trí thức Huế (cùng với Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Trần Viết Ngạc…). Ông cũng hay có sáng tác in trên các báo, tạp chí in và xuất bản trước 1975 như Mai, Trình Bầy, Đối Diện, Đất Nước, Hướng Đi, Tin Tưởng, Mặt Trận Văn Hóa… Từ việc thành lập nhóm đấu tranh Tự Quyết, xuất bản 2 số báo đến việc thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung (1972), thầy giáo, nhà thơ, chiến sĩ Ngô Kha bây giờ nhập làm một. Ông xuất hiện như một ngọn cờ hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn tuyên chiến với chính quyền Sài Gòn. Càng về sau Ngô Kha càng tỏ rõ quan điểm của mình, ông cùng các trí thức văn nghệ sĩ Huế chính thức ủng hộ tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1972, Ngô Kha bị bắt và đưa ra xét xử trước Tòa án Quân sự Đà Nẵng nhưng được trắng án vì không có cơ sở buộc tội cũng như gặp sự phản đối quyết liệt của sinh viên học sinh cùng các lực lượng tiến bộ ở Huế và miền Nam.([4]) Trong khoảng thời gian từ 1972 trở đi, tình hình an ninh của Ngô Kha ngày càng bị đe dọa. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris vừa ký kết nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam, không khí chính trị ở Huế vô cùng căng thẳng. Tổ chức định đưa Ngô Kha vào vùng giải phóng để đảm bảo an toàn nhưng ông từ chối. Trong những ngày tháng dữ dội ấy, ông phải vào lánh trong phòng kín của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế ([5]), ban đêm mới ra ngoài gặp bạn bè, anh em và luận bàn chính trị. Đó có lẽ là những ngày tháng cuối cùng ông được sống và hoạt động trong sự chở che của bạn bè để rồi đến 30/1/1973 Ngô Kha đã ra đi vĩnh viễn về miền cô độc. Ngày 1-1-1981, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã ký giấy chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sĩ cho nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha. Đến 3-11-1981 Nhà nước đã cấp bằng công nhận liệt sĩ cho ông. Ngoài vai trò một thầy giáo, một người đấu tranh trong các phong trào yêu nước, Ngô Kha còn là nhà thơ có bút pháp độc đáo. Cho đến nay, khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp thơ ca, ta thấy Ngô Kha có một điểm vô cùng nổi bật: Ông là một trong số ít những nhà thơ miền Nam lúc bấy giờ hòa nhập vào dòng thơ siêu thực. Các tác phẩm ấy tuy đương thời không được nói đến nhiều (vì lý do thời cuộc), nhưng có thể nói Hoa cô độc và Ngụ ngôn của người đãng trí là hai tập thơ đáng nhớ nhất khi nhắc đến Ngô Kha. Ngoài ra, nhà thơ còn có Trường ca hòa bình và một số bài thơ khác in rải rác trên các tạp chí miền Nam. Như đóa hoa nở giữa sa mạc, người trí thức Ngô Kha - thầy giáo dạy văn trường Quốc học và các trường khác ở Huế ngày ấy đã tạo ra tiếng nói riêng trong các tập thơ của mình. Trong không khí ồn ào nóng bỏng của thời cuộc, năm 1961 Ngô Kha cho ra đời Hoa cô độc như bước đánh dấu cho sự nghiệp thơ ca. Tập thơ tập hợp một số bài thơ tình lãng mạn, dần có xu hướng siêu thực. Hoa cô độc gồm các bài thơ như Đêm 30, Có gì đẹp hơn yêu em, Người con trai, Tiễn em, Ưu tư, Khúc ca tình yêu…. ([6]) . Nó cho thấy trái tim tươi nguyên của chàng thanh niên còn nhiều hy vọng ở cuộc đời. Những vần thơ tuy có hơi hướng siêu thực nhưng vẫn còn đó cái trong sáng, nhẹ nhàng và hết lòng với cuộc sống. Tuy vậy tập thơ cũng cho thấy dự cảm về một trái tim rạn vỡ, một chút u tối trong tâm hồn khi độ nhạy cảm của thi nhân không ngừng báo trước cho anh. Tìm đến thế giới siêu thực, Ngô Kha xem đó là cách thể nghiệm sự suy nghĩ, hòa trộn giữa thực và mộng, nhập vào thế giới mới hơn để tìm ra không gian riêng cho mình. tôi kẻ điên trọn đời cuồng dại tôi chỉ là một kẻ vong thân khát tình thương chẳng thiết phân trần… (Ngụ ngôn của người đãng trí) Cũng từ đây, “tôi là kẻ điên” như một nỗi ám ảnh triền miên khi anh không thể thoát ra khỏi cái bào ảnh của cuộc đời. Như hạt giống ươm mầm, năm 1969 ông cho ra đời Ngụ ngôn của người đãng trí, dấu chấm lửng giữa cuộc đời. Tập thơ làm nên tên tuổi ông với tư cách nhà thơ ngoài vai trò người thầy giáo trong trường Quốc học. Người trí thức ngày nào giờ đắm chìm trong thế giới của “người đãng trí” như một cách phản kháng với thực tại, tìm đến thế giới “siêu thực”. Đúng như ai đó đã từng nói, cuộc sống không bao giờ dừng lại một chỗ mà là một quá trình. Không thể sống mãi trong bơ vơ, triền miên trong miền vô định, ông đã làm một cuộc vượt thoát tinh thần ngoạn mục. Từ Ngụ ngôn của người đãng trí ông cho ra đời Trường ca hòa bình như lời kêu gọi với chính mình. Có thể nói, lúc bấy giờ Ngô Kha đã tung ra khỏi cái trận địa ông đã xây cho mình, quyết tâm dấn thân vào các trận địa đường phố cùng hàng ngàn sinh viên, hòa cùng nhịp đập với dân tộc một cách công khai. Trong lĩnh vực văn học, nếu trước kia ông gián tiếp thể hiện tinh thần đó trong những vần thơ siêu thực thì ngày nay, Ngô Kha đã sáng tạo cả một trường ca dài để kêu gọi mọi người cùng đứng lên giành lại hòa bình cho dân tộc: mừng gặp anh em như mới chào đời ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy như trường sơn hùng vĩ đời đời hòa bình về trong trái tim người… (Trường ca hòa bình) Thoát khỏi khung trời siêu thực, Ngô Kha hòa nhập với thế giới thực tại, làm mục tiêu cho hành động và lý tưởng. Ngoài Trường ca hòa bình, ta còn bắt gặp khí thế đó trong các bài thơ như Bài ca tự quyết, Mai có hòa bình hay Mùa đông chiến tranh ở Huế… Có thể nói hành trình thơ Ngô Kha là con đường dài liên tục và nhất quán về lý tưởng, tuy có khác nhau về hình thức biểu hiện. Đó đúng là hành trình tâm thức của một con người đi từ sự trinh nguyên đến những vực sâu không cùng của chuỗi suy tư, nhận thức cuộc đời, cũng có những da diết đớn đau cần thiết nhưng cuối cùng cũng nhận ra được chân lý. 3.2. Trường ca của Ngô Kha Ngô Kha sáng tác khá nhiều nhưng có một điều đặc biệt là tác giả rất có duyên với thể loại thơ dài. Ngoài những bài thơ có dung lượng vừa phải in trong tập Hoa cô độc (1961), hầu hết các bài thơ còn lại đều có dung lượng khá lớn. Có thể kể đến như Bài ca tự quyết, Mùa đông chiến tranh ở Huế, Hành trình, Mặc khải, Gió, Mặt trời mọc, Xác ướp… Điều đó cho thấy nhà thơ có tài năng đặc biệt trong việc diễn đạt nguồn cảm xúc dồi dào của mình. Tuy nhiên trong phần nghiên cứu này, chúng tôi chỉ chú ý tìm hiểu trường ca bởi thiết nghĩ đó là đỉnh cao trong việc thể hiện những cảm xúc dào dạt của thi nhân, đồng thời cũng cho thấy một điều khá thú vị - Ngô Kha là nhà thơ miền Nam duy nhất viết trường ca bằng lối cảm nhận siêu thực. Có thể nói trường ca của Ngô Kha không theo phong cách và đặc điểm của trường ca truyền thống mà mang trong đó những điểm rất riêng. Chính ông đã thổi linh hồn vào trường ca và ngược lại nó giúp ông bộc lộ hết tâm trạng mình. Không phải chỉ một mình trường ca, mà ngay từ đầu Ngô Kha đã tỏ ra khá phù hợp với những bài thơ dài. Có lẽ thể chất và tâm hồn Ngô Kha tỏ ra phù hợp với những bài thơ dài chăng? Không phải ngẫu nhiên mà một ai đó có thể dễ dàng thành công với trường ca. Nói theo Chu Văn Sơn thì “Do mấu chốt của trường ca là ở chữ “trường”, nên một tác giả trường ca, theo tôi, ít nhất phải có đủ “tam trường”: trường vốn, trường lực và trường hơi. Vốn trải nghiệm, vốn tri thức, vốn nhân văn phải dồi dào; năng lực sáng tạo hình thức trong ngôn ngữ phải sung mãn; và phải nuôi được cảm hứng, cảm xúc thật bền, không đuối, không hụt, không cụt. “Tam trường” đó phải hiện ra thành kiểu tư duy trường ca. Không phải ai cũng có tư duy này! Người có tư duy trường ca thường phải xử lý thật biến hóa mối tương tác giữa những cặp đối cực sống còn này: cái bi - cái hùng, cái kì ảo - cái hiện thực, cái kì vĩ - cái đời thường, chính sử - huyền sử, tính tượng trưng - tính tả thực, tính hồn nhiên - tính tổ chức cao, cả đường bay - từng nhịp vỗ cánh…” ([7]) Và nếu nhìn nhận theo cách đó, có thể nói một hồn thơ như Ngô Kha không thể không bén duyên với trường ca. Bởi “dòng sống” ([8]) thế kia chỉ thực sự thoải mái khi thỏa sức trong một hình thức phóng khoáng với một cấu trúc luôn mở thôi. Trường ca chính là một thể đầy hứa hẹn cho hình thức ấy, cấu trúc ấy. Đối với Ngô Kha, trường ca trở thành phương tiện đắc lực để giải tỏa nỗi niềm. Trường ca của ông đậm chất trữ tình, đẩy yếu tố tự sự ra phía sau. Đó là một dòng chảy lớn, trong bản thân tác giả chứ không chờ đến sự kiện bên ngoài tác động đến. Điều này cho thấy một trái tim nhạy cảm, một tạng người vốn rất dạt dào cảm xúc và dường như chỉ có trường ca mới có thể chứa đựng hết, làm thỏa mãn niềm khát khao bày tỏ của ông. Lần đầu tiên đến với trường ca của Ngô Kha, người đọc sẽ thấy thú vị bởi những điều làm nên sự khác biệt đó. Tác giả không hề phân chia rạch ròi từng ý tưởng và thể hiện nó trong các đề mục mà thay vào đó là cách đánh số rất bình thường, tự nhiên và giản dị. Cả Trường ca hòa bình và Ngụ ngôn của người đãng trí đều như thế. Đó cũng là lý do khiến cho độc giả lần đầu tiên tiếp xúc thơ ông sẽ có ngay những thắc mắc thú vị. Rằng đây có là trường ca chăng? Điều khiến ta chấp nhận nó là trường ca là ở tính khái quát, rộng lớn của vấn đề cần phản ánh. Trường ca hòa bình ngoài việc tác giả định danh ngay từ đầu là trường ca thì ta còn thấy ý nghĩa lớn lao của vấn đề mà Ngô Kha đặt ra. Còn với Ngụ ngôn của người đãng trí, đó còn là một vấn đề lớn cần nhận diện và bàn xét lại. Tuy nhiên, trên góc độ nhìn nhận của người nghiên cứu, có thể xem Ngụ ngôn của người đãng trí là một trường ca ở những khía cạnh sau: Đầu tiên, tác phẩm có một kết cấu khá hoàn chỉnh mặc dù được viết theo lối thơ siêu thực. Xét về dung lượng, tác phẩm có tất cả 786 dòng thơ, được chia ra 8 phần không đều nhau. Điều đó phần nào cho thấy sự đồ sộ của tác phẩm này. Điều thứ hai là nội dung sự kiện trong tác phẩm. Tuy tác giả không đặt tên và rạch ròi trong các sự kiện, nhưng nếu quan sát kỹ người đọc sẽ nhận ra bước đi trong tác phẩm này. Ban đầu thi nhân dắt ta lang thang qua những vùng trời khác nhau trong thế giới của mộng, của cõi hồng hoang nguyên thủy, của miền vô thức âm u huyền hoặc. Nhưng càng về sau, thi nhân đã rời dần thế giới ấy đúng như câu thơ đầu tiên mở đầu tác phẩm: Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông đọc diễn văn truy tặng người đãng trí Đúng với tính chất một lời truy điệu, các phần về sau của tác phẩm cảm hứng của tác giả đã bắt đầu tiến gần đến thế giới thực tại. Chính vì “tự sát trong cô đơn nên chẳng bao giờ chết”, con người đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Kể từ nay, Ngô Kha không còn lang bạt trong thế giới của cô đơn mà thoát ra khỏi chúng, tiến vào cuộc đời thật, xuất hiện trong các “trận địa đường phố” để có Trường ca hòa bình sau này. Điều này có nghĩa tác phẩm không đơn giản chỉ là một cảm hứng bất chợt mà là mạch nguồn cảm hứng lớn, có cả những dự định và đi qua nhiều sự kiện để cuối cùng trở thành thành tựu. Nó vừa mang ý nghĩa biểu đạt của trường ca, vừa phù hợp với đặc điểm của thể loại này. Không như các trường ca hiện đại thường có mặt yếu tố tự sự, anh hùng ca, trường ca của Ngô Kha cho ta thấy một sự khám phá mới trong cách thức biểu đạt cảm xúc. Đó như sự cải cách thể loại và là sự lựa chọn táo bạo của ông. Có thể nói trường ca của Ngô Kha là một điều vừa tự nhiên vừa đặc biệt. Sự kết hợp giữa lối viết của chủ nghĩa siêu thực với cách biểu đạt của trường ca làm tăng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm này. Bởi trường ca thường là thể loại tỏ ra phù hợp với những cảm xúc, những sự kiện lớn. Đi vào thế giới vô thức là một miền đất vốn hoang sơ chưa có nhiều người khai phá nên chứa đựng trong đó một trường khám phá. Chính vì thế thật không quá khó hiểu để lý giải tại sao Ngụ ngôn của người đãng trí lại mang dáng dấp của một trường ca. Nói là mang dáng dấp vì có lẽ bản thân tác giả cũng không có ý định viết nó như một trường ca, mà theo tiếng gọi của miền vô thức, theo mạch cảm xúc dâng trào, Ngô Kha đã bày hết tâm trạng của mình lên trang giấy. Không giống với tính chất vốn có của trường ca, cũng như không giống như những trường ca hiện đại là tự sự và trữ tình kết hợp nhau, trường ca của Ngô Kha là một đường dẫn tự nhiên của miền ký ức đang rất lộn xộn, không thành hình thành chuỗi một cách rạch ròi. Cái gì đến với Ngô Kha cũng như một ngẫu nhiên, tự do như chính tâm hồn ông vậy. Không thể nói Ngụ ngôn của người đãng trí không có cốt truyện, không có mạch tự sự, mà bởi cái hỗn mang của miền vô thức làm xóa nhòa các ranh giới ấy. Có lẽ câu chuyện ngụ ngôn của Ngô Kha mang lại xa lạ quá không đủ sức cho ta nắm bắt. Đó vốn dĩ cũng là một cõi xa lạ với Ngô Kha, nên nói như Hàn Mặc Tử, càng đi xa càng ớn lạnh, bởi thế giới ấy “rộng rinh không bờ bến” ([9]). Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một trật tự trong đó. Đó không gì khác hơn là trật tự vốn có trong chuỗi cảm xúc của thi nhân. Càng về các chương sau càng mang bóng dáng của hiện tại, của sự thật, không còn là cái mông lung xa vời nữa. Bản thân trường ca là một thể loại khá đặc biệt. Nó cho phép diễn đạt tự do cảm xúc của thi nhân cùng những vấn đề có tính rộng lớn nhưng được đặt trong một cái khung khá cố định, nghĩa là phải theo một kết cấu chặt chẽ và hệ thống. Dựa vào đặc điểm đó ta thấy, Ngô Kha đã rất tinh tế khi chọn trường ca là thể loại sở trường sáng tác của mình. Trường ca tỏ ra khá phù hợp trong việc biểu đạt những cảm xúc dào dạt của thi nhân, nhất là đó lại là trợ thủ đắc lực cho lối viết tự do của chủ nghĩa siêu thực. Nó làm cho thế giới ấy càng mở rộng biên độ và giãi bày hết tất cả những cảm xúc từ miền vô thức của con người. Có lẽ chính sự khám phá và kết hợp táo bạo ấy đã làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho những tác phẩm của ông. Không giống như một số tác giả khác khi viết trường ca thường đặt cái tôi của mình bên ngoài để cảm nhận và ngợi ca những vấn đề của xã hội, Ngô Kha viết trường ca trước hết là sự giãi bày nội tâm của mình. Chính ông là chủ thể tác động vào thế giới, mà không đâu xa, đó là miền vô thức của mình. Chính vì thế, tầm vóc sự kiện của tác phẩm phần nào phản ánh tầm vóc của vấn đề mà thi nhân đang thể hiện. Ta đặc biệt nhìn thấy điều này trong Ngụ ngôn của người đãng trí, biểu hiện một hành trình dài trong thế giới nội tâm của tác giả. Đó là cả một vấn đề nhân sinh không chỉ ám ảnh Ngô Kha mà còn ám ảnh tâm trạng chung của bao nhiêu thế hệ thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Khi “quê hương này thất lạc” thì đâu là chỗ đứng cho mình? Đó có lẽ là vấn đề lớn nhất, day dứt nhất mà lịch sử đặt ra cho họ, những trí thức ngày ấy mà cụ thể là nhà thơ của chúng ta. Kết thúc trường ca cũng là lời từ biệt với khoảng trời bơ vơ, mở đầu cho một ý thức dấn thân quyết liệt sau này. Ta có cảm giác khi sáng tác trường ca, Ngô Kha không quá khó nhọc trong việc xây dựng cốt truyện, lập nên ý tưởng, mà đó chính là cái “dòng sống” đang trào dâng trong tâm thức nhà thơ và rất cần được bày tỏ. Nhờ vậy mà không khí, nhịp điệu phát triển của trường ca luôn sôi nổi, khẩn trương, hào hứng bất tận như dòng thác mãnh liệt trong tâm hồn. Chính vì thế, có một điểm khác biệt trong trường ca của Ngô Kha và những nhà thơ khác là không có sự phân chia sự kiện hay giai đoạn một cách rõ ràng. Đúng như Chu Văn Sơn nói trong bài viết của mình, nếu ai chỉ biết chờ chộp được một ý tưởng, một dòng cảm hứng hay lượm lặt, lắp ghép những hình ảnh vào nhau thì không thể nào sống được với trường ca. Điều này cũng giống như người nào đó bắt ta làm việc gì mà bản thân ta không muốn, phải gượng ép hay chỉ làm qua loa cho có công thì khó thể nào thành tựu được. Trường ca là một cô nàng khó tính vậy. Đến với nàng phải bằng tình yêu, cảm xúc chân thật tiềm ẩn từ trong chính con người thì mới sống lâu dài với nàng được. Ngô Kha là chàng thi sĩ đã được nàng lựa chọn và trao cả cuộc đời cho ông. Trường ca vừa là người dẫn đường, vừa là nơi tựa gởi tâm sự sâu kín, vô tận của lòng ông. Họ đến với nhau một cách ngẫu nhiên nhưng không thể rời nhau, thấu hiểu, tương hợp và đắc dụng đến lạ kỳ. Xuất bản ba tập thơ thì có đến hai tập là trường ca, Ngô Kha khá khéo léo trong việc lựa chọn thể loại làm phương thức biểu đạt chính trong thơ mình. Ông là người yêu chuộng sự tự do, nhưng không phải tự do vô lề lối. Muốn thế ông phải chọn cho những ý tưởng của mình một cái khung để khuôn chúng lại, như làm hàng rào cho khu vườn nhà mình. Việc chọn trường ca trong thơ Ngô Kha cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Đầu tiên ông chọn cho mình thể thơ tự do để sáng tác, thứ nữa là đến cách diễn đạt siêu thực. Đó là hai cái rất có lợi cho ý đồ biểu đạt nhưng cũng vô cùng nguy hiểm cho thế đứng của một bài thơ. Lúc bấy giờ ông chọn trường ca làm cái khung sườn tương đối để làm chỗ dựa cho những ý tưởng rất mơ hồ, hỗn loạn và tự do ấy của mình. Lúc bấy giờ, trường ca vừa là một sở trường, vừa đóng vai trò hỗ trợ rất đắc lực nhằm bảo vệ các ý tưởng ấy. Chính vì thế, trường ca của Ngô Kha vừa là một cấu trúc đóng kín nhưng vừa là một cái gì đó rất mở. Nếu ai quen với cách đọc truyền thống sẽ khó có thể chấp nhận đó là một trường ca, ngoại trừ tập Trường ca hòa bình tác giả đã đặt tên và làm giấy khai sinh cho nó. Đó vừa là một sự cải thiện về mặt thể loại nhưng đồng thời cũng cho thấy điểm độc đáo mà nhà thơ cài vào trong cấu trúc thơ của mình. Đó có lẽ là một dấu ấn đáng chú ý khi nghiên cứu về trường ca của Ngô Kha. 3.3. Thơ tự do của Ngô Kha Đến với thơ Ngô Kha, có một điều gần như tạo sự chú ý trọn vẹn của người đọc, đó là yếu tố tự do. Như trên đã trình bày, tâm hồn Ngô Kha phù hợp với những gì phóng túng, dàn trải không theo khuôn khổ. Điều đó thể hiện trong cách tư duy theo lối siêu thực kết hợp với thể loại trường ca. Bây giờ đến lượt ta lại thấy thơ tự do cùng với trường ca làm nổi bật yếu tố đặc trưng trong con người ông. Không gì có thể gò bó được một người yêu chuộng tự do, cả về quan niệm sống và trong tư duy sáng tạo nghệ thuật. Xét tổng thể các yếu tố hình thành nên thơ Ngô Kha, người đọc sẽ cảm thấy vô cùng thú vị bởi sự kết hợp này. Không có gì là ngẫu nhiên nhưng cũng không hoàn toàn là dụng ý. Trong cái ngẫu nhiên lại có nguyên cớ sâu xa từ trong chính nội tâm người sáng tác. Đó có lẽ là điều làm nên sự đặc biệt trong thế giới nghệ thuật thơ Ngô Kha. Thơ tự do của Ngô Kha không có dụng công nghệ thuật nhiều, tất cả như dòng thác tâm trạng vỡ òa trên trang giấy. Đặc biệt với cách viết của chủ nghĩa siêu thực, thể thơ tự do tỏ ra khá phù hợp trong cách biểu đạt cảm xúc của mình. Các câu thơ dài ngắn không đều, tùy theo hình ảnh trong câu thơ và cách cảm nhận của tác giả. Dòng cảm xúc ấy cũng miên man, trải đều như cơn gió, lúc gợn nhẹ nhưng có lúc cũng lốc xoáy cuồng phong. Cảm xúc về thơ cũng theo nhịp tâm trạng, tự do, thoải mái trong cách thể hiện nhưng lại rất sát hợp với tâm hồn: có những ý nghĩ cần phải xóa cũng như gió đã lạnh lùng ra đi có lẽ gió đang hóa thân ở miền nào tôi làm sao hay biết … và gió thức đêm nay làm gì linh hồn ta để tang chờ gió qua sông gió ơi gió làm gì một mình đêm không gầy và không xanh xao như nỗi niềm của gió… (Gió) Lời thơ nhẹ nhàng, tự nhiên như lời tâm sự thì thầm, ta có cảm giác tác giả đang thả tràn cảm xúc của mình cho gió cuốn đi, miên man, vô tận. Đây có lẽ là ý nghĩa đắc dụng nhất mà thơ tự do mang lại cho thi nhân. Không hề gò bó trong những cách luật, vần điệu khô khan, thơ tự do mở rộng biên độ cho những miền cảm xúc và những chân trời mơ tưởng của thế giới tâm hồn. Bởi thơ xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng, từ những cảm xúc chân thật nhất của nội tâm, nên nếu đóng khung điều đó lại sẽ làm mất đi tính hồn nhiên, chân thực của nghệ thuật biểu đạt tâm hồn. Thơ tự do cần thiết nhất là một cấu trúc toàn vẹn để có thể đứng vững, bởi nó không có cái khung định sẵn. Một bài thơ nếu không tạo được cho mình thế đứng sẽ rất dễ đổ, hoặc thậm chí là một mớ hỗn độn những câu thơ, những hình ảnh lắp ghép ngẫu nhiên. Và theo cách nói thông thường, đó chẳng khác nào câu văn xuôi chặt khúc, không có hồn mà chỉ là những mảnh xác nằm chơ vơ trên mặt giấy. Càng đi sâu nghiên cứu ta càng thấy khâm phục bản lĩnh của Ngô Kha, bởi nếu ông không dựng cho nó một cấu trúc nội tại, các câu thơ khó có thể nào nương dựa vào nhau để đứng vững được. Và có lẽ cái cấu trúc ấy nằm ngay trong chính mạch cảm xúc của thi nhân, ở tâm trạng và sự gởi gắm nội tâm của mình. Đọc những câu thơ của Ngô Kha nếu ai không am hiểu, không bắt được nguồn mạch tâm trạng của ông sẽ rất khó nắm bắt, lý giải ý nghĩa của tác phẩm. Tuy nhiên những ý tưởng tưởng chừng rất rời rạc ấy lại được thống nhất với nhau bởi một cấu trúc ngầm trong văn bản. Nó vừa là xương sống, vừa là chiếc chìa khóa mở ra khung trời siêu thực trong thơ ông. Nói là tự do nhưng không có gì là ngẫu nhiên mà luôn có ý nghĩa biểu đạt của nó. Sự thống nhất và nhịp nhàng về mặt cấu trúc ngoài việc được tạo nên từ mạch tâm tưởng của thi nhân còn do cách tạo dựng cấu trúc của bài thơ. Như khi đến với Đêm 30, người đọc sẽ có cảm giác nghe được nhịp bước chân tác giả trên con đường nào đó dưới cơn mưa, trên đại lộ cuộc đời. Nửa bài đầu nhịp thơ có tiếng của bước đi, nhưng nửa bài sau lại có nhịp tí tách nhảy múa của những hạt mưa trên đại lộ. Không phải là cơn mưa rào dịu êm, không phải mưa tí tách từng giọt mà cơn mưa xối xả vào tâm hồn, càng như cào xé, cấu buốt: Đại lộ 30 mắt em tròn 16 anh chán nản cuộc đời vẫn còn đi… đi mãi Hai cánh tay anh bơ vơ dài lên bằng địa cầu như hai người tuyệt vọng … bên ngoài trời mưa trời mưa không ngớt đại lộ than khóc nghĩ về chúng mình cuộc đời tàn trong ánh mắt đêm rơi trên hồn lạnh lẽo hạt mưa những dòng tốc ký bản thảo trinh nguyên không bao giờ chép lại… (Đêm 30) Cách xây dựng câu thơ của Ngô Kha còn tạo cho ta cảm giác có cái gì đó dang dở, bơ vơ, không trọn vẹn. Câu thơ có cái hồn nhiên của tâm trạng, có cái lãng mạn của một con tim cô đơn đến không còn cảm giác trong cuộc đời thực, cũng có cái bơ vơ, trống trải, vô hồn, dẫn dắt thi nhân phiêu dạt vào một thế giới xa xăm: chuyến xe chiều chở đầy người với sương mù và núi đi theo và cô đơn lăn đều trên bánh chuỗi cười để lại đằng sau … Ta thấy em cài hoang liêu trên mái tóc với mùi hương và cánh đồng lúa chín bằng đam mê chất đầy hành lý miên man đi từ mặt đất nôn nao… (Hành trình) Yếu tố thứ hai rất quan trọng làm nên một bài thơ tự do hay là yếu tố vần điệu. Không như những thể thơ truyền thống có sẵn cái khung cho thi nhân vận vào. Thơ tự do phải tự mình làm nên chất nhạc, tự tạo ra những quy luật riêng cho mình. Vậy nên đã gọi là tự do thì hẳn là không có bài nào giống bài nào. Điều này chính là thử thách lớn đối với những người muốn làm thơ tự do. Với Ngô Kha, ta không thể tìm ra những vần điệu cụ thể, cũng không có sẵn cấu trúc để dựa vào đó phát triển ý tưởng. Tất cả dường rất tự nhiên, cái tự nhiên nằm trong định mệnh. Cảm nhận thơ Ngô Kha phải bằng cái hồn tương hợp, giống như cách nói của người xưa là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vậy. Cũng như ngày xưa, thơ Hàn Mặc Tử có lúc bị xem là khó hiểu, giống như một chuỗi những lời nói của kẻ mất trí. Nói điều đó bởi những người đọc thơ Hàn Mặc Tử đó không nhập vào được thế giới của ông, thế giới ấy mãi mãi vi huyền, thơ mộng và có chút rùng rợn. Thơ Ngô Kha lúc này cũng thế. Ông chọn cho mình khung trời của thế giới siêu thực để gởi gắm tâm hồn mình thì cũng chỉ có những người nào từng để mình lạc vào thế giới ấy hoặc chí ít cũng có tâm trạng ấy mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, đã là thơ siêu thực thì người ta không còn đề cao cái hiểu nữa, mà quan trọng là cảm giác. Nói một cách hình tượng, muốn cảm nhận một bài thơ hay phải đọc giữa hai dòng thơ, nghĩa là đọc để nắm bắt cái hồn, cái thần phảng phất sau những câu thơ chứ không phải cái nghĩa lồ lộ trên con chữ. Cấu trúc hiển vi trong thơ Ngô Kha có lẽ cũng nằm ở đó. Thơ tự do diễn tả rất thực cái nhịp điệu của tâm hồn, có lẽ đó là ưu thế duy nhất mà thơ tự do mang lại. Đôi khi đọc thơ Ngô Kha ta lại thấy bóng dáng của một bài chính luận bởi những lập luận rất chỉnh và nhịp nhàng: ngày kia một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo một thị trấn yêu kiều qua ngã làng Vei bởi một khi máu chảy ruột mềm ta không còn đứng nhìn Trường Sơn bên này hay bên kia vùng mặt trời và, cũng không muốn những hố bom tiếp tục đào mồ chôn dân tộc Việt vì trên bầu trời quê hương ta đã xuất hiện một ráng mây hồng trong lòng người và giữa lòng ta nên, nguyện làm loài chim mang quá khứ đau thương trở về tấu khúc hòa bình bên hoa đồng thảo ở đó Việt Nam vĩnh cửu Việt Nam không còn chiến tranh. (Cho những người nằm xuống) Lời thơ như tiếng nói dõng dạc gởi gắm niềm tin vào tương lai của vận mệnh dân tộc, một cách lập luận chắc chắn và sắc bén. Nhưng nếu đó là bài văn chính luận thì ý nghĩa biểu đạt sẽ giảm đi rất nhiều. Lại có những bài thơ đọc vào nghe thật êm dịu và như có chất nhạc vang lên. Đó là bài Mai có hòa bình, bài thơ cuối cùng của Ngô Kha được đăng trên tạp chí Đối Diện số 65-66 mùa Giáng sinh năm 1974. Có lẽ vì vậy mà sau này, nhạc sĩ Hải Hồ (tức bác sĩ Trương Thìn) đã phổ nhạc cho bài thơ và nhanh chóng trở thành bài hát lan rộng trong các phong trào học sinh sinh viên thời bấy giờ: Mùa đổ lá thu mơ trời tháng tám Nhớ nhau thì về chẳng quản đường đi Ngày xưa đất nước phân kỳ Em theo tiếng gọi quên thì gấm hoa Tin em trao về hồng như nụ chín Mai có hòa bình khác thể yêu đương Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu… Đặc biệt, cách viết thơ vắt dòng tạo một hiệu quả nghệ thuật nhất định. Có những câu vốn phải nằm trên cùng một dòng thì lại được tác giả ngắt ra, tạo thành một dấu nhấn, tác động vào giọng điệu câu thơ. xe lăn đi trên đường bay của gió hành trình qua năm của giác quan rời cao nguyên xe vượt suối đau thương từ tối tăm về kinh thành hy vọng … xe lăn đi trên đường sơn kỷ niệm từng hàng cây vói gió gọi trên đồi qua cửa ô khu rừng dang cánh rộng… (Hành trình) Nhịp điệu ấy cứ lặp lại khiến ta có cảm giác từng vòng xe cứ lăn đều đều trên chuyến hành trình bất tận của cuộc đời. Đối với thơ tự do, nhịp điệu câu thơ còn được tạo nên bởi cách xây dựng những hình ảnh, cách ngắt nhịp trong câu thơ. Cho nên tuy không có gì quy định, người đọc vẫn cảm nhận được sự nhịp nhàng, êm dịu của ngôn ngữ và ý thơ. Có gì đẹp hơn yêu em? một ngày tuy không hò hẹn tâm tư vẫn tìm về nhau anh nhìn bóng đêm cuối tháng nghẹn ngào thời gian không còn chung thủy… (Có gì đẹp hơn yêu em) Câu thơ như lời tâm sự, lời tỏ tình ngọt ngào của chàng trai dành cho cô gái. Lời thơ ngọt ngào một cách tự nhiên, bởi người ta thường nói, khi yêu ai cũng trở thành thi sĩ. Một câu nói dù là bình thường nhất cũng trở nên có chất thơ. Từ những tìm hiểu trên chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về thế giới nghệ thuật thơ Ngô Kha. Ông rất tinh tế, thậm chí là bản lĩnh khi có những thử nghiệm táo bạo với bút pháp hiện đại. Tuy chưa thực sự là đỉnh cao, nhưng Ngô Kha cũng đã đóng góp vào thi đàn Việt Nam những cung điệu mới, làm nên một bước đột phá riêng trong không khí văn học chung thời bấy giờ. Bằng thể loại trường ca kết hợp với thể thơ tự do, với bút pháp siêu thực, nhà thơ đã thể hiện những trăn trở, cùng những cung bậc cảm xúc của lòng mình. Có thể nói rằng Ngô Kha là thi sĩ miền Nam đầu tiên viết thơ siêu thực bằng thể loại trường ca, một điều không kém phần đặc biệt làm nên tên tuổi nhà thơ này. ĐỀ TÀI: THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ NGÔ KHA SV thực hiện: Trần Thị Mỹ Hiền Người hướng dẫn: GS. Huỳnh Như Phương CẤU TRÚC KHÓA LUẬN DẪN NHẬP.. 1. Lý do chọn đề tài. 2. Lịch sử vấn đề. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu. 5. Phương pháp nghiên cứu. 6. Đóng góp của luận văn. 7. Cấu trúc luận văn. CHƯƠNG 1: NGÔ KHA - NHÀ THƠ DẤN THÂN.. 1.1. Cuộc đời và con người. 1.2. Sự nghiệp thơ ca. CHƯƠNG 2: HÀNH TRÌNH Ý THỨC TRONG THƠ NGÔ KHA.. 2.1. Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Ngô Kha. 2.1.1. Chủ nghĩa siêu thực và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam. 2.1.2. Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha. 2.1.3. Lối sáng tác tự động. 2.1.4. Xây dựng hình ảnh siêu thực. 2.2. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Ngô Kha. 2.3. Ý thức dấn thân trong thơ Ngô Kha. CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THƠ NGÔ KHA.. 3.1. Trường ca. 3.2. Thơ tự do. 3.3. Ngôn ngữ thơ. KẾT LUẬN.. THƯ MỤC THAM KHẢO PHỤ LỤC [1] Trường huấn luyện của quân đội Sài Gòn [2] Đức Hòa, Đức Huệ. [3] Theo một người bạn của Ngô Kha, ban đầu có tên là Chiến đoàn Trần Hưng Đạo, sau đổi thành Nguyễn Đại Thức. Lúc này Ngô Kha làm chính ủy Chiến đoàn. [4] Theo Trần Thức, một sinh viên ngày ấy kể lại, những ngày 7, 10, 11 và 14/3/1972, khi thầy bị bắt và bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự Đà Nẵng, SV- HS Huế đã rầm rộ xuống đường. Trong mịt mù hơi cay và dùi cui, ma trắc của cảnh sát dã chiến, những khẩu hiệu chưa từng xuất hiện trong phong trào đấu tranh đô thị đã vang lên như xé toang lồng ngực: "Hãy trả thầy cho chúng tôi", "Đả đảo bọn ăn cắp thầy"! [5] Lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Đức, nguyên là Tổng Thư Ký Hội Sinh viên Huế, một người Thiên Chúa Giáo nhận lời đưa ông vào Tu viện trú ẩn. [6] Theo nhóm sưu tầm của quyển “Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ”, tập thơ gồm 18 bài. [7] Chu Văn Sơn, Thanh Thảo với trường ca, nguồn: [8] Chữ của Chu Văn Sơn. [9] Chữ của Hàn Mặc Tử.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_19__459.pdf