Mối quan hệ giữa nhà nước với Đảng cộng sản trong hệ thống chính trị XHCN

Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là tổng thể các thiết chế chính trị, chính trị-xã hội được thành lập, hoạt động trong mối liên hệ chặt chẽ mà vai trò lãnh đạo thuộc về đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhằm thực hiện triệt để quyền lực nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa bao gồm: đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa, các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể quần chúng khác. Trong đó nhà nước và đảng cộng sản là hai thành tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Giữa chúng có mối quan hệ rất chặt chẽ, trong đó Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước đồng thời nhà nước có sự tác động trở lại với Đảng. Quan hệ này luôn dựa trên nguyên tắc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bằng phương pháp phân tích, chứng minh, liên hệ thực tế dựa trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích nghiên cứu của đề tài này là thấy được mối quan hệ giữa nhà nước với đảng cộng sản trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, từ đó liên hệ thực tiễn tới mối quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc nghiên cứu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là đối với quá trình đổi mới hiện nay.

doc6 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 19777 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mối quan hệ giữa nhà nước với Đảng cộng sản trong hệ thống chính trị XHCN, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa là tổng thể các thiết chế chính trị, chính trị-xã hội được thành lập, hoạt động trong mối liên hệ chặt chẽ mà vai trò lãnh đạo thuộc về đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhằm thực hiện triệt để quyền lực nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa bao gồm: đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa, các tổ chức chính trị xã hội và các đoàn thể quần chúng khác. Trong đó nhà nước và đảng cộng sản là hai thành tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Giữa chúng có mối quan hệ rất chặt chẽ, trong đó Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước đồng thời nhà nước có sự tác động trở lại với Đảng. Quan hệ này luôn dựa trên nguyên tắc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bằng phương pháp phân tích, chứng minh, liên hệ thực tế dựa trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích nghiên cứu của đề tài này là thấy được mối quan hệ giữa nhà nước với đảng cộng sản trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, từ đó liên hệ thực tiễn tới mối quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc nghiên cứu này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là đối với quá trình đổi mới hiện nay. NỘI DUNG 1. Định nghĩa. Nhà nước là một tổ chức quyền lực công của một quốc gia. Nhờ có pháp luật và các phương tiện cưỡng chế, nhà nước có khả năng tổ chức và quản lý dân cư sống trong phạm vi lãnh thổ của nó nhằm thực hiện mục đích, bảo vệ lợi ích của lực lượng cầm quyền hay giai cấp thống trị và nhằm thiết lập, giữ gìn trật tự xã hội. Trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhà nước là một bộ phận quan trọng, một mắt xích đặc biệt và được xem là trung tâm của hệ thống chính trị. Theo hiến pháp, pháp luật và các quy phạm pháp luật, nhà nước dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển cũng giống như các nhà nước hiện đại khác.Tuy nhiên, nhà nước xã hội chủ nghĩa lại là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực nhân dân và cũng là công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện quyền lực nhân dân. Đảng cộng sản (đảng của giai cấp công nhân) là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. 2. Mối quan hệ giữa nhà nước với đảng cộng sản trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. a/ Tác động của đảng cộng sản tới nhà nước. Trong hệ thống chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa có thể có nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại và hoạt động. Mỗi đảng phái đóng vai trò nhất định trong đời sống xã hội và giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động luôn giữ vai trò lãnh đạo. Là một bộ phận của hệ thống chính trị, đảng cộng sản giữ vai trò lãnh đạo cả hệ thống chính trị, trong đó nhà nước là trực tiếp và chủ yếu nhất. Sở dĩ đảng cộng sản có khả năng lãnh đạo được nhà nước là vì: đảng cộng sản là lực lượng tiên tiến nhất, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin (ở Việt Nam Đảng cộng sản còn được vũ trang bằng chủ nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh)-kim chỉ nam hành động cho đảng cộng sản và cả xã hội; đảng cộng sản chiếm được lòng tin sâu sắc, tình cảm thân thiết của nhân dân bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng đầy hi sinh, gian khổ của mình vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đảng cộng sản đã tạo được uy tín lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các đảng cộng sản và đảng công nhân ở nhiều nước trên thế giới. Đảng lãnh đạo nhà nước dưới nhiều hình thức, phương pháp khác nhau tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của mỗi lĩnh vực đời sống xã hội hay hoạt động của nhà nước mà Đảng quan tâm. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước được thực hiện dưới những hình thức chủ yếu sau: Đảng hoạch định chiến lược và những mục tiêu cơ bản, những đường lối chính sách phát triển kinh tế, chính trị cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Việc hoạch định đường lối chiến lược, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, xã hội là hình thức lãnh đạo quan trọng nhất, thể hiện rõ nhất vai trò lãnh đạo của Đảng. Uy tín của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào hình thức này. Đảng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, có năng lực để giới thiệu vào các cương vị quan trọng của nhà nước. Việc giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí như vậy phải được tiến hành thông qua sự tín nhiệm của nhà nước, của quần chúng. Đảng không áp đặt các tổ chức, cơ quan nhà nước phải chấp nhận người mình giới thiệu. Chỉ trên cơ sở đó Đảng mới thực sự lãnh đạo được hệ thống chính trị thông qua công tác cán bộ. Đảng kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các biện pháp và phương tiện khác nhau. Thông qua công tác kiểm tra Đảng kịp thời phát hiện những sai lầm, những thiếu sót trong các chủ trương, chính sách do mình đề ra, khắc phục chúng để hoàn thiện hơn nữa vai trò lãnh đạo. Công tác kiểm tra của Đảng phải được tiến hành theo những nguyên tắc của tổ chức Đảng trên cơ sở tôn trọng quyền hạn và chức năng quản lý của nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước được thực hiện thông qua các tổ chức cơ sở của Đảng được thành lập trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những đảng viên đang giữ những cương vị quan trọng đó. Một nét đặc trưng trong vai trò lãnh đạo của Đảng là phương pháp lãnh đạo. Đảng là tổ chức chính trị, phương pháp lãnh đạo của Đảng không phải là phương pháp hành chính mà là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và nêu gương. Tuy nhiên cần phải nhận thực đúng đắn vai trò vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị một cách toàn diện tuy nhiên tính toàn diện này hoàn toàn không có nghĩa là Đảng quyết định tất cả, làm thay tất cả những công việc của các bộ phận cấu thành khác mà Đảng vẫn phải chịu sự tác động của pháp luật, bình đẳng với các bộ phận cấu thành khác của hệ thống chính trị. b/Tác động của nhà nước tới đảng cộng sản. Nhà nước cũng có vai trò quan trọng đối với đảng cộng sản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa-tổ chức quyền lực chính trị của nhân dân lao động luôn ghi nhận và chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Nhà nước tạo ra cơ sở pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động hợp pháp của Đảng và thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng với nhà nước và xã hội. Nhà nước là công cụ có hiệu lực nhất và quan trọng nhất để đảng cộng sản đưa đường lối chính sách của mình vào cuộc sống. Nhà nước xã hội chủ nghĩa thường xuyên phải thể chế hóa đường lối chính sách của đảng thành pháp luật, thành những chính sách, quy định cụ thể và tổ chức thực hiện. Đồng thời thông qua việc thực hiện đường lối chính sách của đảng, nhà nước kiểm nghiệm tính đúng đắn, sự phù hợp của những đường lối chính sách đó. Từ đó nhà nước góp ý với đảng trong việc đề ra hoặc điều chỉnh đường lối, chính sách cho phù hợp. Với chức năng quản lý toàn diện các mặt hoạt động của xã hội, nhà nước thực hiện việc quản lý các tổ chức đảng, kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên. Nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đảng hoạt động. Nhà nước thường xuyên ủng hộ, giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần đối với hoạt động của các tổ chức đảng các cấp. Đồng thời nhà nước cũng là lực lượng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho sự tồn tại của đảng trong toàn xã hội. 3.Liên hệ thực tế Việt Nam Hệ thống chính trị của Việt Nam bao gồm: Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội được tổ chức và hoạt động theo một cơ chế đảm bảo đầy đủ quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy giữa nhà nước với Đảng cộng sản Việt Nam có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. 1. Quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt Nam với nhà nước. - Đảng cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo cả hệ thống chính trị trong đó lãnh đạo nhà nước là trực tiếp và chủ yếu nhất. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam. Như điều 4 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Mính, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. Các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội coi khẳng định này là biểu hiện của sự độc đoán, chuyên quyền, Tuy nhiên lịch sử dân tộc Việt Nam lại cho phép khẳng định chính thức bằng pháp luật vai trò lãnh đạo không thể phủ nhận của Đảng cộng sản Việt Nam: + Đảng cộng sản Việt Nam (thành lập năm 1930) đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2/9/1945. Sau khi giành được chính quyền, Đảng trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước, bảo vệ sự tồn tại của nhà nước. Đây là mối quan hệ hợp pháp nhưng không công khai. + Giai đoạn 1946-1954, với nhiệm vụ chính trị là huy động sức mạnh toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị được thực hiện theo phương châm lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện. + Giai đoạn 1954-1975 để đối phó với âm mưu chia cắt đất nước lâu dài của đế quốc Mỹ nên phương châm lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với nhà nước và xã hội vẫn được thự hiện. Quan hệ giữa Đảng với nhà nước lúc này được thực hiện theo nguyên tắc “hai trong một” hay “một mà hai” đã phát huy được hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo cũng như quản lý xã hội. + Giai đoạn 1975-1986, nhà nước đang trong cơ chế tập trung, bao cấp tồn tại, theo đó Đảng cũng tập trung bao và cấp đối với nhà nước và xã hội. Nhưng khi đất nước bước vào thời kì hòa bình, xây dựng thì cơ chế lãnh đạo và quản lý cũ không còn phù hợp. Những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo của Đảng và nhà nước ngày càng bộc lộ rõ ràng và quyết liệt hơn. + Từ năm 1986 trở lại đây, mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước đã có sự thay đổi, đổi mới chính trị và hệ thống chính trị. Nhận thức về vị trí, chức năng và vai trò của nhà nước ngày càng đúng đắn, rõ ràng hơn, phân định rõ chức năng quản lý của nhà nước với chức năng lãnh đạo của Đảng. Nhà nước thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ là cơ quan quản lý của nhà nước đối với xã hội; vị trí, vai trò trụ cột của nhà nước trong hệ thống chính trị được xác định rõ ràng hơn và được củng cố vững chắc hơn. Đồng thời Đảng ta cũng ngày càng quan tâm hơn đến phương thức lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo.Trong các nghị quyết của các Đại hội Đảng toàn quốc từ Đại hội VI đến Đại hội IX đều khẳng định yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội IX của Đảng viết “Tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Đảng lãnh đạo nhà nước thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương, các chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển và kiểm tra việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của nhà nước. Ban chấp hành trung ương, tập thể cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn thảo luận dân chủ, biểu quyết và ra nghị quyết theo đa số những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách, về tổ chức, cán bộ. Tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân”. Đảng và nhà nước ta chủ trương đổi mới và hoàn thiện mối quan hệ giữa Đảng với nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu dân chủ hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập. => Bằng thực tiễn đấu tranh kiên cường của mình, bằng những hi sinh, cống hiến lớn lao cho dân tộc, Đảng cộng sản Việt Nam đã chiếm được lòng tin của đại đa số quần chúng nhân dân, tạo được uy tín quốc tế lớn cũng như tình đoàn kết và giúp đỡ từ phía phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Điều này có tác dụng to lớn đối với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị trong nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng đã chỉ rõ: “Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được vị trí lãnh đạo”. - Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị một cách toàn diện nhưng không có nghĩa là Đảng đứng trên tất cả. Là một tổ chức hoạt động trong xã hội, là một đối tượng của quản lý nhà nước, Đảng phải chịu sự tác động của pháp luật, bình đẳng với các bộ phận cấu thành khác của hệ thống chính trị. Hiến pháp 1992 khẳng định: Đảng và các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam, điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam đều nhấn mạnh: Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội; hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. 2. Quan hệ giữa nhà nước với Đảng cộng sản. - Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng, điều đó đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. - Nhà nước đã thể chế hóa các đường lối chính sách của Đảng thành pháp luật. Như trong công tác thanh niên, nghị quyết trung ương 7 khóa X về công tác thanh niên đã khẳng định quan điểm của Đảng: thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo và phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên thành pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình hành động cụ thể như Luật thanh niên đã được công bố ngày 22/12/2005. - Công tác kiểm tra, giám sát Đảng cũng được nhà nước ta hết sức coi trọng, thông qua công tác kiểm tra, giám sát nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm đã bị xử lý, kỉ luật kịp thời. Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Đảng độc quyền lãnh đạo, nhà nước quản lý, do đó Đảng phải đưa nhiều cán bộ xuất sắc sang bên nhà nước. Quản lý nhà nước tốt tức là thành tích của Đảng tốt. Đảng lãnh đạo nhà nước bằng nghị quyết, sau khi có nghị quyết, người thực hiện là nhà nước, cụ thể hóa. Nhà nước có mạnh thì mới đạt đc mục tiêu mà Đảng đề ra”. - Ngoài ra nhà nước cũng chính là lực lượng bảo vệ cho sự tồn tại của Đảng. Các hành vi tuyên truyền, kích động chống phá Đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Mới đây trong ba ngày 6-8/10/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ba bị cáo Trần Đức Thạch, Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Trội, Ba bị cáo đã có nhiều hành vi tuyên truyền chống Đảng cộng sản và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: Viết và treo khẩu hiệu có nội dung chống phá Đảng, nhà nước tại cầu vượt Mai Dịch (28/7/2008), vận động một số phần tử quá khích tiến hành biểu tình trước cửa chợ Đồng Xuân (29/4/2008), viết nhiều bài báo có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và nhà nước. Hội đồng xét xử đã nhận định hành vi phạm tội của ba bị cáo là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Tòa đã tuyên phạt hai bị cáo Trần Đức Thạch và Vũ Văn Hùng ba năm tù giam và ba năm quản chế tại địa phương, bị cáo Phạm Văn Trội bốn năm tù giam và bốn năm quản chế tại địa phương. KẾT LUẬN Sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng có những tác động tích cực đối với đảng cộng sản. Nhận thức rõ được mối quan hệ giữa nhà nước với đảng cộng sản là cơ sở để tạo thuận lợi cho các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trong việc xem xét kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như công tác tổ chức, cán bộ, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Tài liệu tham khảo: www.vnexpress.net www.cpv.org.vn www.vietnamnet.vn www.tapchicongsan.org.vn. Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Trường đại học Luật Hà Nội. Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luât, Khoa luật – ĐHQG Hà Nội. Nội dung cơ bản của môn học lý luận nhà nước và pháp luật. Nxb. Giao thông vận tải 2008. Nhà nước trong hệ thệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMối quan hệ giữa nhà nước với đảng cộng sản trong hệ thống chính trị XHCN.doc