Luận văn Vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam tại EU- Những tác động nhiều mặt và bài học kinh nghiệm rút ra

Một khi đã xảy ra kiện bán phá giá thì không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam (ở nước bị kiện) là chịu nhiều tổn thất, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và bán lẻ EU (ở nước khởi kiện) cũng phải gánh chịu những thiệt hại nhất định như bị mất nguồn hàng nhập khẩu, chi phí gia tăng, lợi nhuận giảm Do đó có thể cho rằng họ là những người có cùng chung lợi ích với các doanh nghiệp Việt Nam.

pdf102 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2979 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam tại EU- Những tác động nhiều mặt và bài học kinh nghiệm rút ra, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
oanh nghiệp còn phải giải thích lại cho họ các khái niệm hết sức cơ bản về bán phá giá. Có thể thấy là các doanh nghiệp rất muốn tìm đến các cơ quan có chức năng để có được sự chia sẻ và hỗ trợ trong công tác ứng phó với vụ kiện nhưng lại không đạt được kết quả như mong muốn. 2.4.1.3. Bài học 3: Ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá cần có sự đồng lòng phối hợp của nhiều bên Vẫn biết trong việc ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp là đối tượng trung tâm và có vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên để có thể đạt được một kết quả khả quan thì chỉ sự nỗ lực của các doanh nghiệp thôi là chưa đủ, mà còn cần có sự tham gia phối hợp đồng bộ của nhiều bên, trong đó Chính phủ đóng vai trò là cơ quan điều tiết. Trong vụ kiện vừa qua, ban đầu giày mũ da của Việt Nam bị bên nguyên đơn cáo buộc là bán phá giá với biên độ lên tới 130%. Thế nhưng khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức thì mức thuế chỉ còn ở mức 10%. Tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn nhưng việc đạt được mức thuế 10% - nhỏ hơn 13 lần so với cáo buộc ban đầu - cũng được coi là một thành công của ngành da giày Việt Nam. Đạt được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan Chính phủ, Hiệp hội da giày Việt Nam, các doanh nghiệp và cả lực lượng báo đài hùng hậu. Tham gia vào vụ kiện này, các bên đều đã nỗ lực hết mình. - Chính phủ, Quốc hội Việt Nam bên cạnh việc tổ chức các cuộc hội thảo trong nước nhằm nói lên quan điểm của Việt Nam về vụ kiện, đã rất tích cực tổ chức các phái đoàn sang các nước EU để đàm phán, kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam chống lại quyết định áp thuế của EC. - Hiệp hội da giày Việt Nam đóng vai trò nòng cốt, phối hợp cùng với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tập hợp các doanh nghiệp cùng nhau tham gia kháng kiện. Ngoài ra Hiệp hội còn tổ chức các phái đoàn sang EU để kháng kiện, vận động hành lang. - Các doanh nghiệp da giày Việt Nam cũng rất tích cực, đoàn kết tham gia kháng kiện, vì lợi ích của doanh nghiệp mình và vì lợi ích của toàn ngành. - Báo đài cả nước cũng đã tham gia rất nhiệt tình vào vụ kiện này với hàng trăm bài báo bình luận, nhận xét về sự bất công của vụ kiện và nói lên nỗi thống khổ của người công nhân ngành da giày Việt Nam. 2.4.1.4. Bài học 4: Hệ thống luật pháp với nhiều điểm chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá Bài học này được đúc rút ra từ chính thực tiễn quá trình chứng minh hoạt động theo cơ chế thị trường của các doanh nghiệp. Theo luật chống bán phá giá của EU, để được điều tra trực tiếp dựa trên các chi phí thực tế của mình, các doanh nghiệp phải chứng minh được với cơ quan điều tra rằng họ hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường theo 5 tiêu chí đã được quy định từ trước. Tuy nhiên do sự sai khác giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với báo cáo tài chính quốc tế nên các doanh nghiệp khó có thể thỏa mãn được điều kiện thứ hai về việc “được kiểm toán độc lập theo các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế”. Thực tế thì cả 8 doanh nghiệp da giày Việt Nam trong nhóm điều tra mẫu đều không đáp ứng được tiêu này, do đó đều không chứng minh được là hoạt động theo cơ chế thị trường. Chế độ hạch toán kế toán chưa đạt chuẩn mực quốc tế, hệ thống kiểm toán còn yếu kém, chưa chính xác, chưa trung thực và chưa có uy tín trên thế giới đã làm hạn chế đáng kể khả năng tự vệ của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá hàng xuất khẩu. Một nhân tố nữa khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá là cơ chế khai báo mã số hải quan thiếu chặt chẽ. Trong vụ kiện vừa qua, nhiều doanh nghiệp da giày khi muốn rà soát lại xem những mã hàng bị áp thuế có số lượng bao nhiêu đã không thể làm được do phần lớn các mã hàng đều được ghi chung chung là 6403, trong khi đó, EU dùng đến tám mã số. Điều này đã khiến cho số liệu của chúng ta không thể hiện được hết các chi tiết cần thiết và cũng gây khó khăn cho người làm công tác đàm phán. Đúng là khi cần đến mới thấy cách ghi nhận số liệu, thông tin đối với các mã hàng xuất khẩu của Việt Nam có vấn đề. Cơ quan Hải quan Việt Nam đã tỏ ra quá dễ dãi và đôi lúc là hời hợt trong việc ghi nhận cách kê khai mã hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp. Đành rằng việc kê khai là của doanh nghiệp nhưng rõ ràng là cơ quan chức năng đã không có những yêu cầu chặt chẽ buộc các doanh nghiệp phải ghi nhận đầy đủ mã số hàng hóa theo thông lệ của nước nhập khẩu và thế giới. 2.4.1.5. Bài học 5: Một khi chưa được công nhận là có nền kinh tế thị trường, việc lựa chọn một nước thứ ba thay thế có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tính toán biên độ phá giá là điều không dễ dàng Hiện nay EU vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Đây là điều rất bất lợi đối với chúng ta trong các vụ kiện bán phá giá. Không được công nhận là nền kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc không được tính toán biên độ phá giá theo các số liệu thu thập ở thị trường nội địa mà phải thông qua một nước khác có các điều kiện sản xuất tương tự. Tuy nhiên, việc lựa chọn nước thay thế làm nảy sinh rất nhiều vấn đề bất lợi cho Việt Nam. Thông thường, bên nguyên đơn thường kiến nghị nước thay thế là những nước có mặt bằng giá cả cao hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam nhằm làm tăng biên độ phá giá. Như trong vụ kiện này, Liên minh ngành giày da EU đã kiến nghị lựa chọn Brazil làm nước tham chiếu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã lên tiếng phản đối lựa chọn này với lý do xét về điều kiện sản xuất, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào, và chi phí nhân công ở đây đều cao hơn của Việt Nam rất nhiều. Phía Việt Nam đã đề nghị UBCA lựa chọn Indonesia, Thái Lan hoặc Ấn Độ làm nước thay thế bởi các quốc gia này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về chi phí sản xuất và giá cả. Trước đề nghị của phía Việt Nam, EC khuyến cáo dù chọn bất kỳ đối tác nào làm nước tham chiếu thì các doanh nghiệp, Hiệp hội da giày Việt Nam cũng phải tìm kiếm được sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp nước được chọn. Hiệp hội da giày Việt Nam ngay lập tức liên hệ với các doanh nghiệp trong ngành da giày Indonesia nhưng các doanh nghiệp này đã tỏ ra không cởi mở và không muốn tiết lộ những số liệu sản xuất, tình hình thu chi cũng như nguyên liệu đầu vào của họ. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Thái Lan khi Việt Nam vận động các doanh nghiệp nước này giúp đỡ trong vụ kiện. Sau khi có kiến nghị từ phía Việt Nam về việc lựa chọn nước tham chiếu, UBCA đã gửi thư đến 50 công ty của Brazil cũng như Ấn Độ, hơn 20 công ty ở Indonesia, liên hệ với Hiệp hội giày Thái Lan và tổ chức hợp tác với 6 nhà sản xuất giày xuất khẩu Thái Lan, kết quả chỉ có một nhà sản xuất Ấn Độ, hai nhà sản xuất Indonesia và tám nhà sản xuất Brazil đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra. Với sự hợp tác ít ỏi của các công ty Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ, yêu cầu của Việt Nam về việc chọn một trong ba quốc gia này là nước tham chiếu đã không được chấp nhận. EC sau đó đã dựa vào sự hợp tác tích cực của tám doanh nghiệp Brazil để xác định biên độ phá giá cho giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc. Sở dĩ các nhà xuất khẩu Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ có thái độ thiếu hợp tác như vậy là vì không những sự cộng tác này sẽ gây phiền hà rắc rối cho họ mà sự thua kiện của Việt Nam và Trung Quốc còn tạo ra cơ hội tốt hơn cho giày mũ da của các nước này tăng thị phần trên thị trường EU. Có thể thấy là một khi chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh thì việc lựa chọn được một nước tham chiếu có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện bán phá giá là điều khá khó khăn. 2.4.2. Bài học đối với các doanh nghiệp 2.4.2.1. Bài học 1: Thiếu một chiến lược xuất khẩu phù hợp, doanh nghiệp có nguy cơ cao bị kiện bán phá giá Mỗi một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu khi xây dựng chiến lược kinh doanh đều lựa chọn cho mình một thị trường xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững và tránh được các vụ kiện bán phá giá ở nước nhập khẩu thì thị trường chủ lực chỉ nên chiểm 50%-60% kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong vụ kiện chống bán phá giá vừa qua, có những doanh nghiệp da giày Việt Nam xuất khẩu sang EU đến 80%-90% sản lượng sản xuất đã khiến cho các nhà sản xuất giày dép EU phải chú ý. Và khi giày mũ da Việt Nam bị kiện bán phá giá tại thị trường này, các doanh nghiệp kể trên ngay lập tức bị liệt kê vào danh sách bị đơn. 2.4.2.2. Bài học 2: Gia công xuất khẩu vẫn có thể bị kiện bán phá giá Trong danh sách 60 doanh nghiệp da giày Việt Nam bị kiện vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp chỉ gia công cho các đối tác nước ngoài mà không trực tiếp xuất khẩu hàng sang EU. Tất cả các công đoạn như: thiết kế mẫu, cung cấp nguyên liệu, định giá và chọn thị trường xuất khẩu... đều do đối tác quyết định. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công mà không hề biết hàng mình làm ra được xuất khẩu đi đâu, với giá cả thế nào, thậm chí họ cũng không nắm rõ được giá thành sản phẩm. Tưởng rằng các doanh nghiệp này không hề liên quan tới việc bán phá giá do họ không trực tiếp quyết định giá bán sản phẩm. Nhưng thực tế vụ kiện vừa qua đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, doanh nghiệp dù chỉ gia công vẫn có nguy cơ bị kiện bán phá giá. 2.4.2.3. Bài học 3: Doanh nghiệp Việt Nam có rất ít kinh nghiệm trong việc ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá và thường mang tư tưởng bi quan khi bị kiện Kể từ năm 1994 cho đến nay, số lượng các vụ kiện bán phá giá có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới con số 34 thế nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn tỏ ra rất ít kinh nghiệm trong việc ứng phó với các vụ kiện loại này. Thường thì ai bị kiện người ấy lo, các ngành hàng chưa bị kiện thì không mấy quan tâm về vấn đề này cho nên khi có thông tin ngành hàng của mình bị kiện bán phá giá thì các doanh nghiệp tỏ ra rất hoang mang và không biết phải ứng phó như thế nào, thậm chí một số doanh nghiệp còn tỏ ý lảng tránh không muốn tham gia vào vụ kiện. Như trong vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da, ông Nguyễn Văn Giàu - Phó giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu giày dép Nam Á khi được phỏng vấn đã nói: “Nam Á không nằm trong danh sách điều tra nhưng nếu có chắc chắn doanh nghiệp cũng xin rút lui vì nếu tham gia vào vụ kiện sẽ rất tốn kém chi phí và thời gian”. 2.4.2.4. Bài học 4: Hệ thống sổ sách hạch toán kế toán không rõ ràng minh bạch, các doanh nghiệp không được công nhận là hoạt động theo cơ chế thị trường Tuy Việt Nam chưa được công nhận là có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh nhưng theo Luật pháp chống bán phá giá của EU thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể được điều tra trực tiếp nếu như chứng minh được rằng mình hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và không có sự can thiệp của Nhà nước. Để được hưởng quy chế này, các doanh nghiệp phải đáp ứng được 5 tiêu chí do EU đề ra. Trong đó, tiêu chí thứ hai về việc doanh nghiệp có hệ thống số liệu được kiểm toán độc lập theo các tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế và áp dụng cho tất cả các mục đích có lẽ là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong số 8 doanh nghiệp được chọn làm mẫu trong vụ kiện giày mũ da, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đạt được tiêu chuẩn này là Công ty giày 32. Kết quả này cho thấy hệ thống kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu kém. Đa phần hệ thống sổ sách kế toán của các công ty Việt Nam không đầy đủ, không minh bạch và không thống nhất. Ở một số doanh nghiệp, hệ thống kế toán thậm chí còn chưa phù hợp với các tiêu chuẩn kế toán quốc gia, chứ chưa nói đến các chuẩn mực quốc tế. Một hạn chế nữa của các doanh nghiệp Việt Nam đó là có rất ít doanh nghiệp có báo cáo tài chính được kiểm toán vì hầu hết đều lo sợ việc công khai các thông tin tài chính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Có thể nói, hệ thống kế toán không minh bạch chính là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam và cũng là nguyên nhân chính khiến cho họ không được công nhận là hoạt động theo cơ chế thị trường. CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP GIÚP CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI CÁC VỤ KIỆN CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CỦA EU Từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam tại thị trường EU vừa qua, các giải pháp sau đây được đưa ra chủ yếu nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (không riêng gì các doanh nghiệp da giày) có thêm các kinh nghiệm quý báu để đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của EU, từ đó đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này. 3.1. Nhóm giải pháp đối với Nhà nước 3.1.1. Xây dựng chiến lược tăng trưởng xuất khẩu phù hợp cho các ngành hàng Để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững, đồng thời tránh được những nguy cơ từ các vụ kiện bán phá giá thì việc xây dựng một chiến lược tăng trưởng xuất khẩu hợp lý cho từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực là việc làm hết sức cần thiết. Với mỗi một ngành hàng xuất khẩu, bao giờ cũng có một thị trường chủ lực và một mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước cần định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu nào đó, đặc biệt là thị trường EU - nơi được coi là thị trường tiềm năng nhất cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu ồ ạt vào một thị trường sẽ rất dễ dẫn đến bị kiện bán phá giá, và một khi đã bị áp thuế thì toàn ngành sẽ lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn do không kịp chuyển đổi thị trường. Đi đôi với đa dạng hóa thị trường là đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu nhằm tránh tình trạng một sản phẩm của Việt Nam chiếm lĩnh thị phần quá lớn trên thị trường nước nhập khẩu. Một ví dụ là trong ngành hàng giày dép, thay vì chỉ tập trung sản xuất một mặt hàng giày da, Chính phủ và cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp ngành hàng nên định hướng các doanh nghiệp sang sản xuất các mặt hàng khác như giày vải, hay giày bằng chất liệu PVC… Đồng thời với việc sản xuất các mặt hàng mới là công tác khai phá thị trường cho các sản phẩm này. Mỗi sản phẩm đều có phân đoạn thị trường riêng. Các cơ quan hữu quan có thể hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp trong công tác khảo sát thị trường để tìm ra các phân khúc thị trường phù hợp cho các sản phẩm mới. Như vậy là việc xây dựng được một chiến lược tăng trưởng xuất khẩu phù hợp cho từng ngành hàng vừa đảm bảo tăng kim ngạch xuất khẩu một cách bền vững, vừa góp phần ngăn ngừa nguy cơ bị kiện bán phá giá. 3.1.2. Xây dựng cơ chế cảnh báo sớm đối với các vụ kiện chống bán phá giá Theo quy định của EU, tiến trình vụ kiện được chia thành các giai đoạn rõ ràng và có khung thời gian cụ thể cho các giai đoạn này. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp bị kiện chỉ có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị các thông tin cung cấp cho cơ quan điều tra. Do chưa xây dựng được hệ thống thông tin riêng của doanh nghiệp nên việc tiến hành thu thập thông tin của các doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian và nhiều khi không kịp với thời hạn mà EC yêu cầu. Chậm trễ là rất bất lợi với các doanh nghiệp Việt Nam vì có thể bị EC cho là thiếu tinh thần hợp tác. Như vậy, có thông tin về vụ kiện sớm bao nhiêu thì các doanh nghiệp Việt Nam càng có lợi bấy nhiêu vì có thêm thời gian để chuẩn bị đối phó. Chính vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị kiện bán phá giá, việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện là rất cần thiết. Hệ thống này sẽ tạo lập và duy trì cơ chế giám sát và cảnh báo tại thị trường EU để phục vụ cho công tác theo dõi thị trường; tiến hành giám sát, dự báo những thay đổi trong hệ thống pháp luật, thể chế về chống bán phá giá của EU và đưa ra những dự báo về những nguy cơ mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt. Hệ thống cũng đưa ra những phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp phòng chống và xử lý sớm vụ việc, tạo thế chủ động cho công tác phòng chống các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các tham tán, tùy viên, thương vụ Việt Nam ở EU chính là những nguồn thông tin hữu ích để hình thành nên cơ chế cảnh báo sớm. Một cơ chế cảnh báo sớm hiệu quả có thể bao gồm các yếu tố sau: - Các phân tích kinh tế: Các phân tích kinh tế về tình hình xuất khẩu của Việt Nam, tình hình tiêu dùng, nhập khẩu và sản xuất của EU luôn là những thông tin quý báu giúp các doanh nghiệp dự đoán được khi nào thì một vụ kiện bán phá giá có thể sẽ xảy ra. Khi một sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị phần EU thì cũng là lúc các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng đó cần phải đề phòng. - Các thông tin về hoạt động của các nhà sản xuất EU: Để có thể khởi kiện một mặt hàng nhập khẩu bán phá giá thì các nhà sản xuất EU trước tiên phải thỏa mãn điều kiện về tính đại diện cho ngành sản xuất nội khối. Chính vì thế các nhà sản xuất thường phối hợp với nhau để cùng ký vào đơn kiện, đồng thời tạo nguồn tài chính và thuê luật sư để chuẩn bị cho vụ kiện. Khi phát hiện ra các động thái này từ các nhà sản xuất EU thì các doanh nghiệp Việt Nam cần ngay lập tức chuẩn bị cho một vụ kiện bán phá giá. - Thông tin từ các công ty tư vấn luật: Các công ty tư vấn luật tại EU là một nguồn thông tin khá quan trọng và chính xác về những gì đang diễn ra xung quanh công tác chuẩn bị của các nguyên đơn. Tất nhiên là trong trường hợp họ nhiệt tình cung cấp cho chúng ta những thông tin mà họ có được. - Ngoài ra, báo chí, đặc biệt là các hãng thông tấn EU cũng là một kênh thông tin quan trọng để cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp về một vụ kiện bán phá giá sắp diễn ra. 3.1.3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bán phá giá Từ những phản hồi của các doanh nghiệp ngành da giày trong vụ kiện vừa qua rằng họ rất thiếu thông tin và rất khó tiếp cận thông tin về vụ kiện khi cần thiết thì quả thực việc xây dựng một hệ thống thông tin về các vấn đề có liên quan bán phá giá là một nhu cầu bức thiết. Hiện nay ở Việt Nam đã có trang web chongbanphagia.vn chuyên về bán phá giá, tuy nhiên trang web này mới chỉ thiên về cập nhật thông tin chứ chưa có được các phân tích hệ thống giúp các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được tình hình về chống bán phá giá. Trong tương lai cần thiết phải xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về bán phá giá hoàn thiện hơn bao gồm: các thông tin về pháp luật chống bán phá giá của các nước, các khối nước (trong đó có EU); các thống kê về các vụ kiện chống bán phá giá trước đây đối với từng thị trường xuất khẩu và có nghiên cứu điển hình một số vụ kiện lớn; các thông tin cập nhật về tình hình diễn biến của các vụ kiện đang diễn ra; và cuối cùng là những dự báo về các ngành hàng có khả năng bị kiện bán phá giá ở từng thị trường. Cơ sở dữ liệu này nên để các doanh nghiệp và những ai quan tâm đều có thể dễ dàng tiếp cận nhằm có được những thông tin cần thiết để sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá trong tương lai. 3.1.4. Thành lập cơ quan chuyên trách về chống bán phá giá Hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới cũng có nghĩa là hàng hóa Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều các rào cản thương mại phi thuế quan, trong đó có biện pháp chống bán phá giá (đặc biệt là tại thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU). Trong tình huống đó, cần thiết phải có một cơ quan chuyên trách về các vụ kiện loại này nhằm thay cho các Hiệp hội ngành hàng như hiện nay để đóng vai trò tập hợp, điều phối các doanh nghiệp cùng đoàn kết tham gia vụ kiện. Cơ quan chuyên trách với sự am hiểu sâu sắc về luật pháp quốc tế cũng như luật chống bán phá giá của EU sẽ hỗ trợ một cách tích cực nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị tài liệu và cung cấp các thông tin cần thiết cho EC. Đồng thời cơ quan này cũng sẽ đứng ra làm vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền điều tra của EC trong suốt tiến trình của vụ kiện. Có cơ quan chuyên trách, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được định hướng rõ ràng những việc cần phải làm và yên tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng thay vì tâm lý hoang mang như trước kia - khi phải một mình đương đầu với sóng gió. 3.1.5. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về luật pháp chống bán phá giá và các cách thức ứng phó đối với các vụ kiện cho các doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng và các cán bộ quản lý Nhà nước Một bài học rút ra từ vụ kiện giày mũ da là muốn ứng phó được với các vụ kiện chống bán phá giá thì cần phải có sự đồng lòng phối hợp và nỗ lực của nhiều bên. Đúng là như vậy, tuy nhiên để những nỗ lực ấy đem lại kết quả tốt đẹp thì các bên đều phải nắm được những kiến thức cần thiết về bán phá giá và những thông tin cập nhật về vụ kiện. Thực tế là các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và ngay cả các cán bộ quản lý Nhà nước có liên quan đều chưa thật sự am hiểu sâu sắc các vấn đề về bán phá giá. Có các doanh nghiệp vì không hiểu biết nên khi vừa nghe tin ngành hàng của mình bị kiện bán phá giá đã rất hoang mang và ngay lập tức từ chối tham gia vụ kiện. Cũng có các quan chức của các cơ quan hữu quan không biết gì về bán phá giá nên khi được các doanh nghiệp tham vấn ý kiến thì không biết phải trả lời thế nào và gần như là đứng ngoài cuộc để các doanh nghiệp tự xoay sở. Trước thực tế đó, có một việc cần phải làm ngay đó là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng này về kiện bán phá giá và các biện pháp ứng phó. Nhằm đạt hiệu quả cao nhất, công tác phổ biến kiến thức có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, mở khóa đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu, xuất bản sách hướng dẫn, tham khảo về pháp luật chống bán phá giá của WTO, của EU và một số thị trường khác; hay hợp tác với các tổ chức quốc tế thiết kế các chương trình giảng dạy nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, các cán bộ những kiến thức và kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá. 3.1.6. Tăng cường công tác vận động hành lang và quan hệ công chúng Để có thể giành thắng lợi trong một vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt là với một “đối thủ nặng ký” như EU thì chỉ một mình các doanh nghiệp lên tiếng phản kháng thôi là chưa đủ, thậm chí ngay cả khi Hiệp hội ngành hàng và Chính phủ Việt Nam cùng lên tiếng thì cũng khó lòng xoay chuyển các quyết định của EC. Và đây chính là lúc cần đến tiếng nói ủng hộ Việt Nam từ nhiều phía. Càng nhiều người, càng nhiều tổ chức, càng nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam thì sức ép đối với UBCA sẽ càng lớn. Đến một lúc nào đó những tiếng nói ấy đủ mạnh để chứng minh rằng biện pháp chống bán phá giá mà EC áp dụng là có hại cho lợi ích chung của cộng đồng thì chắc chắn nó sẽ bị dỡ bỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể có được tiếng nói đồng tình ấy hay không một phần lớn là phụ thuộc vào công tác vận động hành lang và quan hệ công chúng của Chính phủ và Hiệp hội ngành hàng. Để đạt được hiệu quả tổng hợp giúp các doanh nghiệp Việt Nam, khi bước vào một cuộc chiến chống bán phá giá, Chính phủ và Hiệp hội cần ngay lập tức xây dựng một chiến lược quan hệ công chúng hiệu quả, kêu gọi sự ủng hộ từ tất cả các đối tượng có cùng lợi ích như: các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối và bán lẻ của EU, người tiêu dùng EU, hay các nhà sản xuất EU dùng sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào. Tất cả họ đều có thể trở thành đồng minh của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại phán quyết của EC. Song song với quan hệ công chúng, công tác vận động hành lang với các quốc gia thành viên EU và các quan chức có thẩm quyền trong EC cũng có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của vụ kiện. Nếu như Chính phủ và Hiệp hội thực hiện tốt hai việc này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn thoát khỏi biện pháp chống bán phá giá của EC. 3.1.7. Tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam theo hướng hài hòa hóa với các quy định quốc tế Như đã phân tích trong phần Bài học kinh nghiệm, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được là hoạt động theo cơ chế thị trường là do hệ thống luật pháp của Việt Nam còn nhiều bất hợp lý và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống kế toán chưa minh bạch và không phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, hệ thống khai báo mã số hải quan chưa chặt chẽ và không tuân theo các yêu cầu của thị trường EU và cả những ưu đãi, khuyến khích mà Nhà nước dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu đều đã trở thành những bằng chứng để EC khẳng định rằng Việt Nam chưa có một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã bán phá giá vào thị trường EU. Chính vì vậy, để tránh bị thiệt thòi trong các vụ kiện chống bán phá giá, (đặc biệt là tại thị trường EU - nơi có sự phân biệt rất lớn giữa các nước có nền kinh tế thị trường và các nước chưa có nền kinh tế thị trường), Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia theo hướng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các thông lệ, các chuẩn mực quốc tế. 3.1.8. Tích cực triển khai các cuộc đàm phán song phương và đa phương để tranh thủ được nhiều nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường Trong quy định về chống bán phá giá của EU có một sự phân biệt đối xử rất rõ ràng giữa các nước kinh tế thị trường và các nước chưa được coi là có nền kinh tế thị trường. Việc chưa được công nhận là có nền kinh tế thị trường thật sự là một bất lợi lớn đối với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam. Trong các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được điều tra trực tiếp mà phải thông qua một nước thứ ba khiến cho biên độ phá giá thường bị đẩy lên cao hơn rất nhiều. Thế nhưng hiện nay trên thế giới và trong luật pháp EU đều không có một quy định cụ thể nào về việc thế nào thì được coi là có nền kinh tế thị trường. Việc phân định nhiều khi dựa vào quan điểm chủ quan của các quốc gia. Chính bởi lẽ đó, để có thể nhanh chóng được công nhận là có nền kinh tế thị trường để được đối xử công bằng hơn trong các vụ kiện, Chính phủ Việt Nam cần tích cực triển khai các cuộc đàm phán song phương với các quốc gia và các cuộc đàm phán đa phương với các khu vực, nhóm nước để tranh thủ sự công nhận của nhiều nước. Càng có nhiều nước ủng hộ, Việt Nam càng có nhiều cơ hội trở thành nước có nền kinh tế thị trường trước năm 2018 - thời điểm cuối cùng cho việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường theo cam kết với WTO. 3.2. Nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp 3.2.1. Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu Tuy EU là một thị trường rộng lớn và rất tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng để đảm bảo tăng trưởng giá trị xuất khẩu và tránh được nguy cơ bị kiện bán phá giá, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường này. Thay vào đó các doanh nghiệp nên điều tiết hoạt động xuất khẩu của mình một cách hợp lý, thực hiện đa dạng hóa thị trường kết hợp với đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. EU rất hay áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhập khẩu chiếm thị phần lớn trên thị trường nội khối, vì thế nếu doanh nghiệp xác định EU là thị trường xuất khẩu chủ lực thì cũng chỉ nên xuất khẩu vào thị trường này khoảng 50% - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, bên cạnh đó cần thiết phải phát triển vài thị trường xuất khẩu khác. Làm như vậy, doanh nghiệp sẽ có khả năng điều chỉnh lượng xuất khẩu vào từng thị trường một cách hợp lý để tránh rủi ro. Một khi thấy có hiện tượng xuất khẩu quá nhiều vào EU, doanh nghiệp có thể ngay lập tức điều tiết bớt lượng hàng của mình sang các thị trường khác để tránh nguy cơ bị kiện bán phá giá. Đi đôi với đa dạng hóa thị trường là đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Sản xuất nhiều loại sản phẩm hướng vào nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau một mặt sẽ giúp doanh nghiệp khai phá các phân đoạn thị trường trước đây bị bỏ ngỏ, từ đó đem lại lợi nhuận cao hơn; một mặt khác sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ bị kiện bán phá giá do một sản phẩm chiếm lĩnh thị phần quá lớn trên thị trường. 3.2.2. Tăng dần tỷ trọng phương thức tự doanh, giảm gia công xuất khẩu Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, dệt may,… hiện nay vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu. Tuy doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhận gia công sản phẩm, còn mọi công đoạn khác từ thiết kế mẫu mã sản phẩm, nguyên vật liệu đến tiêu thụ sản phẩm đều do bên đối tác đứng ra lo liệu nhưng như vậy không có nghĩa là các doanh nghiệp này không có khả năng bị kiện bán phá giá. Ngược lại, khi đã bị kiện, các doanh nghiệp này còn thiệt thòi hơn nhiều so với các doanh nghiệp tự doanh. Do không thể quyết định được chiến lược sản phẩm, cũng không quyết định được giá bán sản phẩm xuất khẩu nên các doanh nghiệp nhận gia công luôn ở vào thế bị động, không thể chủ động phòng tránh các vụ kiện. Thậm chí khi bị kiện cũng không có đủ thông tin để cung cấp cho cơ quan điều tra. Chính vì lẽ đó, nhằm phòng tránh bị kiện bán phá giá, các doanh nghiệp nên giảm dần gia công mà tăng hình thức tự sản xuất kinh doanh để có thể tự quyết định “số phận” của mình. 3.2.3. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp cạnh tranh phi giá Muốn thu được nhiều lợi nhuận không nhất thiết phải hạ giá bán để bán được nhiều hàng. Đây không những là một biện pháp không bền vững (vì giảm giá cũng chỉ đến một mức độ nào đó là không thể hạ được nữa) mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các nhà sản xuất SPTT tại thị trường EU - nơi có giá thành sản xuất cao hơn nhiều lần so với Việt Nam - kiện bán phá giá. Để gia tăng lợi nhuận có thể sử dụng các biện pháp phi giá. Các biện pháp như nâng cao chất lượng và mẫu mã; tăng cường tính độc đáo và tiện dụng của sản phẩm; hay gia tăng các dịch vụ hậu mãi, tạo điều kiện mua bán thuận lợi cho khách hàng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao uy tín và đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty mà vẫn không lo bị kiện bán phá giá. 3.2.4. Đẩy mạnh khai thác thị trường nội dịa để giảm áp lực xuất khẩu Đối với các ngành hàng định hướng xuất khẩu thì việc tìm kiếm và khai thác các thị trường nước ngoài là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên với tình hình các vụ kiện chống bán phá giá trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU ngày càng gia tăng như hiện nay thì để giảm bớt áp lực xuất khẩu, các doanh nghiệp nên xây dựng cho mình một chiến lược phát triển thị trường nội địa. Thị trường Việt Nam với 86 triệu dân có mức sống ngày càng gia tăng đang là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế không có lý do gì mà các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng trong nước. Việc chuyển hướng một phần vào thị trường nội địa không những giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể mà còn giảm được áp lực tăng trưởng xuất khẩu trên các thị trường chủ lực như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản dễ dẫn đến bị kiện bán phá giá. 3.2.5. Chủ động tìm hiểu các thông tin có liên quan đến vấn đề kiện bán phá giá Nếu như một sản phẩm xuất khẩu bị kiện bán phá giá thì các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đó sẽ là những người chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất chứ không phải là Chính phủ hay các cơ quan Nhà nước hữu quan. Chính vì thế, để tự bảo vệ mình, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề kiện bán phá giá chứ không nên ỷ lại, trông chờ vào các thông tin một chiều mà các cơ quan Chính phủ cung cấp. Trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về Luật pháp thương mại quốc tế nói chung và Luật pháp về chống bán phá giá của các thị trường chủ yếu nói riêng để không khỏi bỡ ngỡ khi tham gia kháng kiện. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải nhanh nhạy tiếp cận các thông tin về thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp mình để nhận biết nguy cơ và có biện pháp ứng phó phù hợp khi vụ kiện xảy ra. Các thông tin này có thể tìm thấy từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu dựa vào sự chủ động của các doanh nghiệp. 3.2.6. Chủ động tham gia vụ kiện Do chi phí theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá là rất tốn kém lại có khả năng rủi ro lớn; thêm vào đó các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít kinh nghiệm thương trường quốc tế nên khi phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá thì thường có tâm lý e ngại và không muốn tham gia. Để tránh sự hoang mang không cần thiết này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định rằng trong hoạt động thương mại quốc tế ngày nay khi mà các rào cản thuế quan đang dần được dỡ bỏ thì việc các quốc gia phát triển sử dụng biện pháp kiện bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các nước đang phát triển để hạn chế nhập khẩu là chuyện hết sức bình thường. Với quan điểm ấy, các doanh nghiệp sẽ bình tĩnh hơn và sẵn sàng ứng phó với vụ kiện khi nó xảy ra. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải hiểu rõ một điều: tham gia tích cực vào vụ kiện là vì lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp mình, rộng hơn là ngành hàng của mình, vì vậy cần phải chủ động chứ không nên ỷ lại vào sự can thiệp của Nhà nước. Các doanh nghiệp nên tự mình kháng kiện vì Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể thay thế các doanh nghiệp trong các vụ kiện. Trên thực tế thì trong trường hợp Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường như hiện nay thì việc Chính phủ tham gia quá nhiều vào vụ kiện có thể còn đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của vụ kiện. Quán triệt quan điểm này, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam dù không có tên trong danh sách bị đơn vẫn nên tự nguyện tham gia vào vụ kiện. Không những giúp doanh nghiệp mình có thể được hưởng những ưu tiên do tích cực hợp tác; sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có hệ thống kế toán và chi phí minh bạch còn đem lại lợi ích cho cả ngành hàng do có thể có được biên độ phá giá thấp hơn. 3.2.7. Hợp tác đầy đủ, kịp thời và thiện chí với cơ quan điều tra Trong quy chế về chống bán phá giá của EU đã có nêu rất rõ về vấn đề hợp tác và bất hợp tác của các doanh nghiệp bị khởi kiện trong quá trình điều tra. Trong đó các doanh nghiệp bất hợp tác có thể sẽ phải chịu mức thuế cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp hợp tác. Vì thế trong mọi trường hợp, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Sự hợp tác ở đây được hiểu theo ba khía cạnh: - Hợp tác đầy đủ: Thực hiện tất cả các công việc mà EC yêu cầu để phục vụ cho quá trình điều tra như trả lời bảng hỏi, cung cấp các tài liệu được yêu cầu… - Hợp tác kịp thời: trả lời bảng hỏi và cung cấp các tài liệu được yêu cầu theo đúng thời hạn quy định - Hợp tác thiện chí: trong quá trình điều tra, doanh nghiệp nên thể hiện sự nhiệt tình hợp tác bằng cách có thái độ thân thiện, ôn hòa khi giao tiếp, nhiệt tình giải trình những thông tin mà cơ quan điều tra yêu cầu và thẳng thắn nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp. 3.2.8. Sử dụng tư vấn pháp lý trong mọi giai đoạn của quá trình điều tra Là bị đơn của một vụ kiện thương mại tầm cỡ quốc tế, để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của mình, các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng tư vấn pháp lý ở tất cả các khâu trong quá trình tham gia kháng kiện. Điều đặc biệt lưu ý là các doanh nghiệp nên lựa chọn đồng thời cả các công ty tư vấn luật trong nước và ở nước ngoài, mà cụ thể ở đây là ở EU - nơi khởi kiện. Các công ty luật trong nước thấu hiểu hoàn cảnh của các doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các công ty luật nước ngoài am hiểu luật pháp thương mại quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và chủ động hơn trong quá trình kháng kiện. Sử dụng tư vấn pháp lý, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tích cực từ khâu trả lời bảng hỏi, chuẩn bị tài liệu chứng minh, chuẩn bị thẩm tra tại chỗ cho đến tham gia các phiên điều trần. 3.2.9. Tích cực phối hợp với các đối tác nhập khẩu để đối phó với vụ kiện Một khi đã xảy ra kiện bán phá giá thì không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam (ở nước bị kiện) là chịu nhiều tổn thất, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và bán lẻ EU (ở nước khởi kiện) cũng phải gánh chịu những thiệt hại nhất định như bị mất nguồn hàng nhập khẩu, chi phí gia tăng, lợi nhuận giảm… Do đó có thể cho rằng họ là những người có cùng chung lợi ích với các doanh nghiệp Việt Nam. Đã cùng chung lợi ích thì sẽ rất dễ hợp tác, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng điều này. Khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp cần liên hệ ngay với đối tác nhập khẩu của mình để phối hợp ứng phó. Thông thạo thị trường, các nhà nhập khẩu này có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều các thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác kháng kiện; đồng thời họ còn có thể dùng tiếng nói của mình để tạo làn sóng dư luận ở nước nhập khẩu đòi cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ vụ kiện. Trong nhiều vụ kiện chống bán phá giá, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu trong việc vận động hành lang, tạo dư luận ở cả hai nước phản đối vụ kiện đã dẫn tới kết quả xét xử có lợi cho bên bị đơn. 3.2.10. Hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp Như trên đã trình bày, theo luật pháp về chống bán phá giá của EU, các doanh nghiệp Việt Nam muốn được công nhận là hoạt động theo cơ chế thị trường để được điều tra trực tiếp thì phải đáp ứng được tất cả 5 tiêu chí đã định trước. Trong đó tiêu chí khó đáp ứng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tiêu chí thứ hai về công tác hạch toán kế toán và kiểm toán cùa doanh nghiệp. Để trong các vụ kiện sau không còn vướng mắc ở tiêu chí này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán sao cho minh bạch, rõ ràng và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các ngành hàng có nguy cơ bị kiện bán phá giá cao thì hàng năm nên thuê các công ty kiểm toán quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam (như công ty kiểm toán A&C, Ernst & Young) thực hiện nghiệp vụ chuyển đổi cách ghi chép sổ sách, chứng từ theo chế độ kế toán Việt Nam sang chế độ kế toán quốc tế; đồng thời nhất thiết mỗi năm đều phải thực hiện kiểm toán ở các công ty kiểm toán có uy tín. 3.2.11. Tích cực tham gia xây dựng và củng cố hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng Trước khi có một cơ quan chuyên trách về chống bán phá giá thì Hiệp hội ngành hàng chính là nơi tập hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng tham gia kháng kiện, đồng thời là cơ quan điều phối mọi hoạt động liên quan đến vụ kiện. Chính vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của Hiệp hội ngành hàng, từ đó tích cực tham gia xây dựng và củng cố hoạt động của Hiệp hội này. Để Hiệp hội có thể thực hiện tốt vai trò tập hợp và điều phối của mình trong các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp cần xây dựng trong Hiệp hội của mình các nhóm chuyên trách để thực hiện các nhiệm vụ: - Tìm hiểu Luật pháp chống bán phá giá của các thị trường chủ lực như EU, Hoa Kỳ đồng thời nghiên cứu các vụ kiện chống bán phá giá điển hình để đúc rút kinh nghiệm, tìm ra các biện pháp ứng phó hiệu quả; - Theo dõi sát sao tình hình ở các thị trường xuất khẩu chủ yếu từ đó đưa ra các dự đoán về khả năng bị kiện bán phá giá ở nước ngoài; - Liên hệ với các công ty tư vấn luật có uy tín, các chuyên gia về chống bán phá giá trên thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình kháng kiện; - Giúp đỡ các doanh nghiệp hoàn thiện tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán để đáp ứng yêu cầu của việc điều tra; - Phối hợp hành động của các doanh nghiệp thành viên để ứng phó một cách tốt nhất trong trường hợp vụ kiện xảy ra; - Thực hiện quan hệ công chúng, vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ nhiều phía. 3.2.12. Nghiên cứu việc áp dụng biện pháp cam kết giá Cam kết giá là việc nhà sản xuất, xuất khẩu cam kết sửa đổi mức giá bán tăng lên hoặc cam kết ngừng xuất khẩu phá giá hàng hóa vào thị trường nước nhập khẩu. Theo quy định của EU thì khi một cam kết giá được chấp nhận, quá trình điều tra sẽ chấm dứt trừ khi các nhà xuất khẩu có yêu cầu tiếp tục điều tra hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định như vậy. Vì thế cam kết giá cũng được coi là một biện pháp nhằm kết thúc sớm vụ kiện. Một ưu điểm rõ ràng của biện pháp này là nhà xuất khẩu sẽ được hưởng phần lớn chênh lệch giữa giá bán tại nước nhập khẩu trước và sau khi có cam kết giá. Trong khi đó, nếu bị áp dụng thuế chống bán phá giá thì có thể thấy rằng mặc dù giá bán tại nước nhập khẩu tăng lên nhưng nhà xuất khẩu không được lợi gì từ sự tăng giá đó. Tuy nhiên khi một cam kết giá được đề xuất thì theo quy định của EU, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho tất cả các bên có liên quan để lấy ý kiến bình luận. Vì vậy, để đạt được sự chấp thuận từ phía nguyên đơn mà vẫn giữ được thị phần là một bài toán khá nan giải đối với người đi đàm phán. Thêm vào đó, sau khi đạt được thỏa thuận về cam kết giá, nhà xuất khẩu phải chấp thuận tuân thủ thêm rất nhiều các quy định, thủ tục khai báo và phải chịu sự giám sát hết sức nghiêm ngặt và phức tạp cho từng chuyến hàng, từng giao dịch, từng chủng loại hàng hóa từ cơ quan điều tra và cơ quan hải quan EU. Nhìn chung biện pháp cam kết giá vừa có ưu điểm lại vừa có hạn chế. Vì thế mặc dù đây được coi là một biện pháp chủ động của các xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải cân nhắc nhiều mặt trước khi đưa ra quyết định áp dụng biện pháp này. PHẦN KẾT LUẬN Như vậy là sau hơn bốn năm kể từ khi được khởi xướng, vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam dường như vẫn chưa kết thúc. Không ai biết liệu sau 15 tháng nữa quyết định áp thuế chống bán phá giá lên giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc có được dỡ bỏ hay không. Còn đối với các doanh nghiệp và công nhân ngành da giày Việt Nam thì cuộc chiến vẫn đang tiếp tục. Họ vẫn đang hàng ngày phải đối mặt với những khó khăn và sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng cho đến khi nào biện pháp chống bán phá giá được dỡ bỏ. Da giày chỉ là một trong số những ngành hàng của Việt Nam coi EU là thị trường xuất khẩu chủ lực. Thị trường EU rộng lớn thực sự rất hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày hay thủy sản. Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện bán phá giá rất cao. EU đã xây dựng một quy chế về chống bán phá giá với những điều luật hết sức chặt chẽ và thường xuyên dùng biện pháp này như là một công cụ để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chống lại sự thâm nhập ồ ạt của các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam là những đối tượng bị kiện nhiều nhất. Việt Nam càng hội nhập sâu rộng vào các hoạt động thương mại quốc tế, hàng hóa của Việt Nam càng tăng trưởng mạnh ở thị trường nước ngoài thì chúng ta càng có nguy cơ phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt là tại thị trường khó tính và mang nặng tính bảo hộ như EU. Chính vì vậy, từ một điển hình vụ kiện giày mũ da, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác của Việt Nam nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU và tránh được những rủi ro không đáng có thì cần phải rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu để phòng tránh và đặc biệt là có các biện pháp ứng phó phù hợp khi vụ kiện xảy ra. Những kiến nghị, giải pháp được nêu ra trong bài được đúc kết từ thực tiễn quá trình các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam tham gia kháng kiện chính là những gợi ý cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành hàng trong công tác dự phòng và đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá đến từ EU. TÀI LIỆU THAM KHẢO Sách và giáo trình: 1. Chủ động ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá trong thương mại quốc tế - TS Đinh Thị Mỹ Loan - NXB Lao động xã hội - 2006 2. Phân tích và dự báo thị trường da giày EU - Da giày Việt Nam truyền thống và hiện đại - NXB Chính trị quốc gia – 2002 3. Cẩm nang phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam - GS.TS Võ Thanh Thu, GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, PGS.TS Nguyễn Đông Phong - NXB lao động xã hội Báo và tạp chí: 4. Cam kết về giá theo pháp luật chống bán phá giá của EU - TS Đinh Thị Mỹ Loan - Tạp chí thương mại Số 44/2005 5. Đối phó với vụ kiện bán phá giá giày dép vào EU - Đoàn Tất Thắng - Tạp chí Thương mại Số 28/2005 6. Thuế chống bán phá giá của EU và một số giải pháp đối với da giày Việt Nam - TS Nguyễn Anh Tuấn - Tạp chí Công nghiệp kỳ 1 tháng 10/2005) 7. Thị trường giày dép EU - Phương Thanh - Tạp chí Thương Mại - Số 33/2007 8. Những giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với rào cản “chống bán phá giá” ở nước nhập khẩu - GS.TS Võ Thanh Thu và GS.TS Đoàn Thị Thanh Xuân - Tạp chí Phát triển kinh tế Số 211/2008 9. Những giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá - Đoàn Tất Thắng - Tạp chí Thương mại Số 10/2005 10. EC áp thuế chống bán phá giá: Nửa triệu công nhân da giày có nguy cơ thất nghiệp - Mỹ Hạnh - Tạp chí Lao động và xã hội Số 289/2006 11. Kiện bán phá giá giày dép vào EU: không có chiến thắng cho những người bỏ cuộc - Dương Hương - Tạp chí Thương mại Số 28/2005 Website 12. Thị trường giày dép EU: nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam - Tapchicongnghiep.vn - 8/10/2009 13. Pháp luật về chống bán phá giá - những điều cần biết - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - 2004 14. Báo cáo kết quả nghiên cứu Ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá giày mũ da của EC đối với ngành da giày Việt Nam - Hiệp hội da giày Việt Nam và Tổ chức ActionAid Việt Nam - 5/2006 15. Báo cáo kết quả nghiên cứu: Ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá giày mũ da của EC đối ngành da giày Việt Nam - Hiệp hội da giày Việt Nam và Tổ chức ActionAid Việt Nam 16. Bài phát biểu của Lãnh đạo Hiệp hội Da - Giày Việt Nam về vụ kiện phá giá các loại giày có mũ từ da (Tại cuộc hội thảo ngày 8/8/2006) 17. Quy trình một vụ kiện chống bán phá giá của EU - - 28/11/2006 18. Tìm hiểu thị trường giày dép Pháp - 19. Quy định của EU về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu - Cổng thông tin về WTO và tiếp cận thị trường - 24/10/2008 20. Thủ tục giải quyết vụ việc chống bán phá giá ở EU - Đỗ Minh Tuấn - - 24/8/2009 21. Tìm hiểu quy trình điều tra chống bán phá giá của EU - Thanh Hương - trang web của Cục quản lý cạnh tranh - 21/5/2009 22. EC đề xuất hạn ngạch đối với giày da Việt Nam, Trung Quốc - - 5/7/2006 23. Các đại gia ngành giày da EU phản đổi việc dỡ bỏ GSP đối với giày da Việt Nam - William Schomberg - www.reuters.com - 10/04/2008 24. Doanh nghiệp Châu Âu phản đối vụ kiện da giày Việt Nam - - 22/11/2005 25. Nhà bán lẻ Anh phản đối thuế chống bán phá giá giày da - - 10/10/2006 26. Đan Mạch phản đối vụ kiện giày mũ da - - 28/3/2006 27. Hiệp hội giày dép Đức phản đối áp thuế giày da Việt Nam - Viện khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế 28. Nhiều doanh nghiệp da giày đứng trước nguy cơ phá sản - Ca Hảo - - 25/12/2009 29. Doanh nghiệp da giày “có cửa” tại EU - - 10/12/2009 30. ActionAid kêu gọi EC xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam - Huy Cường - - 2/6/2006 31. "Sống" trong giày mũ da: Cầm cự trong gian khó - Đức Thành - - 27/1/2010 32. Về quyết định chống bán phá giá giày mũ da của EU: Nhọc nhằn lao động mưu sinh - - 33. 40.000 công nhân da giày Hải Phòng trong cơn bĩ cực - Lệ Thu - - 25/12/2009 34. Nhà bán lẻ Anh phản đối thuế chống bán phá giá giày da - - 10/10/2006 35. Doanh nghiệp Châu Âu phản đối vụ kiện da giày Việt Nam - - 22/11/2005 36. Giày da Việt Nam: phiên chợ chiều - - 4/1/2010 37. Nhọc nhằn như thân phận đôi giày -Thanh Hải - - 8/1/2010 38. Gánh nặng từ việc áp thuế chống bán phá giá - - 23/12/2009 39. Ngành da giày chiếm 1/10 kim ngạch xuất khẩu cả nước - - 24/02/2010 40. Cơ hội xuất khẩu giày dép sang thị trường Đức - - 21/9/2008 41. Báo chí Italia: EU cần dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da Việt Nam - - 10/11/2008 42. Các mốc thời gian của vụ EU áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc - - 29/12/2009 43. Chưa có đối tác tham chiếu trong vụ kiện da giày - www.vnexpress.net - 27/7/2005 44. Khó khăn của Việt Nam khi phải đối mặt với tranh chấp bán phá giá - Nguyễn Thanh Hưng - 45. Xu hướng mới trong hoạt động sản xuất giày dép tại EU - - 2/11/2009 46. Các kênh phân phối giày dép tại thị trường EU - 47. Nét mới trong phân đoạn thị trường giày dép EU - 48. Diễn biến giá cả ngành hàng giày dép tại Anh 49. “Sống trong giày mũ da” - Đức Thành - - 27/1/2010 50. EU áp thuế lên giày mũ da Việt Nam: Khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ - - 6/12/2006 51. Gánh nặng từ việc áp thuế chống bán phá giá - - 23/12/2009 52. Bài học từ vụ kiện giày da - - 31/3/2006 53. Cuộc chiến đối phó kiện chống phá giá: Kinh nghiệm của Trung Quốc - - 18/7/2005 54. Doanh nghiệp Việt Nam với vụ kiện bán phá giá giày tại thị trường EU - - 23/7/2005 55. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới ngành da giày Italia - - 13/3/2009 56. Việt Nam đàm phán với ANCI về việc EU áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam - - 4/11/2009 57. Chính thức bị áp thuế phá giá - giày da Việt Nam khó khăn - 58. Thông tin thị trường giày dép thế giới ngày 29/7/2009 - - 29/7/2009 59. Thông tin thị trường giày dép thế giới ngày 24/8/2009 - - 24/8/2009 60. Tiêu thụ giày dép ở Pháp năm 2008 tăng nhẹ - - 19/3/2009 61. Xu hướng xuất khẩu và tình hình XNK giày dép tại Anh - - 21/1/2010 62. Thị trường giày dép EU - Phương Thanh - Tạp chí thương mại Số 33/2007 63. Nét mới trong phân đoạn thị trường giày dép EU 2009 - - 8/9/2009 64. Website 65. Website của Eurostat: 66. Website của Tổng cục thống kê:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLuận văn- Vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam tại EU- những tác động nhiều mặt và bài học kinh nghiệm rút ra.pdf
Luận văn liên quan